Rèn kĩ năng luyện gõ 10 ngón cho học sinh

1574755334 | 0 bình luận | 1209 xem

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay thì việc được làm quen với máy tính ngay từ bé không còn xa lạ với trẻ em nói chung và với học sinh tiểu học nói riêng. Để làm việc với máy tính đạt hiệu quả cao thì việc gõ phím là một trong những bài học cơ bản nhất mà bất cứ học sinh nào cũng phải trải qua. Và việc gõ 10 ngón là một bài học bắt buộc trong chương trình cho học sinh bắt đầu làm quen với máy tính.

Trong chương trình của môn Tin học tại trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long, chúng tôi đưa chương trình luyện gõ vào giảng dạy cho học sinh và hướng dẫn học sinh luyện gõ bàn phím với phần mềm Mario. Trong các bài học này, học sinh có thể luyện tập gõ bàn phím với phần mềm Mario và cho học sinh làm quen với phần mềm TYPER SHARK sau khi đã nắm được lý thuyết gõ phím. Vì lúc này học sinh đã có thể quen với cách đặt tay lên bàn phím.

Học sinh phải học thuộc và nhớ được vị trí của các kí tự trên từng hàng phím và toàn bàn phím (trong phạm vi các phím đã được học) để có thể luyện gõ bằng 10 ngón tay một cách dễ dàng. Giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh cách đặt tay đúng vị trí và phải luyện gõ đúng 10 ngón tay theo quy tắc đã được học. Qua đó, học sinh thấy được việc gõ bàn phím bằng 10 ngón tay giúp chúng ta gõ phím được nhanh hơn và chính xác hơn, tiết kiệm được thời gian trong khi gõ và có kĩ năng gõ phím tốt sau này.

Trước tiên, học sinh được hướng dẫn tập luyện gõ phím, nắm được vị trí và cách đặt ngón tay sao cho đúng ở hàng phím cơ sở, tay đặt trên 8 phím xuất phát A S D F J K L; thuộc hàng phím cơ sở. Hai ngón trỏ đặt lên hai phím có gai là FJ để làm chuẩn trong quá trình thực hành luyện gõ. Tiếp các bài học sau đó, học sinh lần lượt được luyện cách gõ ở hàng phím trên, hàng phím dưới và hàng phím số.

Trong các tiết thực hành, chúng tôi lồng ghép cho học sinh tìm hiểu thêm về phần mềm TYPER SHARK, đây là phần mềm vui vừa mang tính giải trí vừa giúp các em luyện gõ bàn phím bằng 10 ngón hiệu quả. 

Với các giờ học như vậy, học sinh được phát huy tính tích cực, chủ động và tự phát hiện vấn đề, giáo viên đóng vai trò là người gợi ý, hướng dẫn, chỉnh sửa, kịp thời phát hiện những cá nhân, nhóm thực hành cần cố gắng để uốn nắn, điều chỉnh. Việc học môn Tin học dần tạo cho học sinh có thói quen tốt, bắt nhịp các xu hướng tiến bộ của thời đại công nghệ đang phát triển.

Qua các phần mềm học tập, học sinh thêm hào hứng và không cảm thấy việc luyện gõ bàn phím còn khó khăn và nhàm chán như trước nữa. Phần mềm luyện gõ giúp kích thích được sự tò mò, ham mê khám phá của học sinh.

Tin bài: Thầy giáo Xuân Hoài

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến