Phương pháp tích hợp bảo vệ môi trường trong giảng dạy chống ô nhiễm tiếng ồn

1531811702 | 0 bình luận | 5878 xem

Hiện nay vấn đề môi trường là vấn đề vô cùng quan trọng, ảnh hưởng đến kinh tế, chính trị, xã hội của toàn cầu. Bảo vệ môi trường trở thành nhiệm vụ cấp bách với mọi người, mọi dân tộc, mọi quốc gia trên thế giới. Để giải quyết được vấn đề này thì công việc giáo dục bảo vệ môi trường là một trong số những biện pháp hữu hiệu nhất, có tính bền vững và sâu rộng nhất trong số các biện pháp để thực hiện mục tiêu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững đất nước.

Trong chương trình Trung học cơ sở, Vật lí là một môn học thực nghiệm, cung cấp cho học sinh nhiều kiến thức cơ bản về thế giới tự nhiên và môi trường xung quanh. Vì thế qua môn học này, mỗi khi cung cấp một đơn vị kiến thức cơ bản liên quan đến môi trường, thầy cô có thể tích hợp bảo vệ môi trường trong từng đơn vị kiến thức này. Để việc tích hợp đạt hiệu quả cao nhất thì theo tôi ngay từ lớp 7, một trong những lớp đầu cấp học mà các em mới được làm quen với môn Vật lí thầy cô cần phải làm sao không những gây hứng thú học tập cho các em về môn học này mà còn phải lồng ghép kiến thức về môi trường và vấn đề bảo vệ môi trường để từ đó xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho các em học sinh.

Để cụ thể vấn đề giảng dạy tích hợp bảo vệ môi trường trong bộ môn Vật lí 7, dưới đây tôi sẽ đưa ra phương pháp giảng dạy bài “Chống ô nhiễm tiếng ồn” có tích hợp bảo vệ môi trường mà tôi đã áp dụng đối với học sinh của mình.

  • Đơn vị kiến thức tích hợp: Ô nhiễm tiếng ồn xảy ra khi tiếng ồn to, kéo dài, không những gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và hoạt động bình thường của con người mà nó còn ảnh hưởng đến tập tính sống của một số loài động vật trên thế giới.
  • Phương pháp tích hợp: Sử dụng hình ảnh về ô nhiễm tiếng ồn, nêu các ví dụ thực tế ở địa phương, nêu các biện pháp để học sinh hiểu rõ việc chống ô nhiễm tiếng ồn

GV: Em hãy nêu tác hại của tiếng ồn? (hình ảnh về tác hại của sự ô nhiễm tiếng ồn)

- Về sinh lí: Gây mệt mỏi toàn thân, nhức đầu, choáng váng, ăn không ngon, gầy yếu. Ngoài ra tiếng ồn quá lớn làm suy giảm khả năng của thính giác.

- Về tâm lí: Gây khó chịu, lo lắng, bực bội, dễ cáu gắt, sợ hãi, ám ảnh, mất tập trung, dễ nhầm lẫn, thiếu chính xác.

- Làm ảnh hưởng đến môi trường sống của một số loài động vật

GV: Chúng ta cần phải làm gì để chống ô nhiễm tiếng ồn?

Cần phòng tránh ô nhiễm tiếng ồn bằng cách:

- Trồng cây: Trồng cây xung quanh trường học, bệnh viện, nơi làm việc, trên đường phố, đường cao tốc là biện pháp tốt nhất để giảm thiểu tiếng ồn.

- Lắp đặt thiết bị giảm âm: Lắp đặt một số thiết bị giảm âm trong phòng làm việc như thảm, rèm, thiết bị cách âm để giảm thiểu tiếng ồn từ bên ngoài vào.

- Đề ra nguyên tắc: Lập bảng thông báo quy định về việc gây ồn. Cùng nhau xây dựng ý thức giữ trật tự cho mọi người.

- Các phương tiện giao thông cũ, lạc hậu gây ra những tiếng ồn lớn. Vì vậy cần lắp đặt ống xả và các thiết bị chống ồn trên xe. Kiểm tra, hạn chế các phương tiện giao thông cũ hoạt động.

- Tránh xa các nguồn gây tiếng ồn: Không đứng gần máy móc, thiết bị gây ồn lớn như máy bay phản lực, các động cơ, máy khoan cắt, rèn kim loại. Khi cần tiếp xúc với các thiết bị đó cần sử dụng các thiết bị bảo vệ (mũ chống ồn) và tuân thủ quy tắc an toàn. Xây dựng trường học, bệnh viện, khu dân cư xa nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn.

- Học sinh cần thực hiện các nếp sống văn minh tại trường học: Bước nhẹ khi lên cầu thang, không nói chuyện trong lớp học, không nô đùa, mất trật tự trong trường học.

Như vậy với việc dạy học tích hợp như trên, các em thấy rằng Vật lí không chỉ là môn học thực nghiệm nữa, mà còn giúp các em gần gũi hơn với môi trường sống, biết làm gì để bảo vệ môi trường, bảo vệ trường học, bảo vệ gia đình và bảo vệ chính bản thân mình.

Trần Thị Huyền Trang

Giáo viên Trung học

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến