MÙA XUÂN NHO NHỎ

1454556433 | 0 bình luận | 4620 xem

Mùa xuân- mùa của sức sống, mùa của sự sinh sôi nảy nở, mùa của những tia nắng ấm áp lấp ló sau hàng cây cổ thụ, mùa của những giọt sương long lanh đọng trên đám cỏ non sau một đêm ngon giấc. Và mùa xuân còn là mùa của lòng người nghệ sĩ, mùa của những tình yêu, mùa của những niềm hi vọng. Xưa ta đủng đỉnh theo chân chị em Kiều du xuân trong thơ Nguyễn Du rồi say sưa ngây ngất trong vườn tình ái của thơ Xuân Diệu, mỗi mùa xuân qua đi, và giờ ta trở về không gian yên bình với mùa xuân xứ Huế trong thơ Thanh Hải:

“Mọc giữa dòng sông xanh

Một bông hoa tím biếc

Ơi con chim chiền chiện

Hót chi mà vang trời

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng”

Đó là một mùa xuân với không gian, màu sắc, đường nét, âm thanh và thần thái.


Dòng sông quê hương lặng lờ trôi, trên dòng sông ấy là những cánh lục bình xanh, nhưng điều quan trọng hơn, điều đáng chú ý hơn là “bông hoa tím biếc” kia. Không phải ngẫu nhiên tác giả lại đặt chữ “mọc” lên đầu tiên của bài thơ, bông hoa ấy giữa không gian dòng sông  rộng lớn vẫn vươn lên kiên cường, hiên ngang, vẫn nguyên một sắc màu tím biếc, màu tím của bông hoa làm cho không gian nguyên màu xanh trở nên ấm ap hơn.  Màu tím là màu của áo dài xứ Huế mộng mơ, màu của lãng mạn, của ước mơ, của văn hóa. Bông hoa ấy phải chăng chính là tác giả đang chơi vơi giữa dòng đời, đang đứng bên bờ vực thẳm nhưng vẫn kiên cường vươn lên và góp những sắc màu cho thiên nhiên, cuộc sống. Nhưng bên cạnh đó, ta còn cảm nhận được màu tím ấy có cảm giác man mác buồn, phải chăng đó là cảm xúc của một người đang nằm trên giường bệnh trong những tháng ngày cuối cùng của cuộc đời?

Mùa xuân của Thanh Hải còn có âm thanh của tiếng chim chiền chiện. Chim chiền chiện là loài chim thân thuộc với làng quê Việt Nam mỗi dịp xuân về, trên những cánh đồng lúa, tiếng chim hót lảnh lót, vang vọng khắp bầu trời quê hương.  Giọt long lanh kia hay là giọt sương mai của mùa xuân, giọt ngọc của đất trời hóa thành hay là tiếng hót của chim chiền chiện. Tiếng hót ấy lanh lảnh khắp vùng trời, qua tâm hồn nhà thơ hóa thành giọt long lanh rơi xuống mặt đất. Nghệ thuật chuyển đổi cảm giác biến những tiếng hót chỉ cảm nhận được bằng thính giác thành những giọt âm thanh long lanh trong trẻo có thể cảm nhận được bằng thị giác, xúc giác. Mùa xuân của Thanh Hải có không gian chiều dài của dòng sông, chiều cao của bầu trời, có màu xanh của nước, của nền trời, màu tím của lục bình, có âm thanh của tiếng chim, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một mùa xuân của xứ Huế, mùa xuân quê hương Việt Nam, mùa xuân của cuộc đời nhà thơ.

Phải là người có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước những biến đổi diệu kì của tạo hóa, thiên nhiên, phải là một người nghệ sĩ luôn rung động trước cái đẹp bình dị của quê hương mới có thể viết ra những vần thơ như thế.

Colleen McCullough đã nói về con chim trước khi lao vào bụi mận gai cất tiếng hót cuối cùng hay nhất trong đời( Tiếng chim hót trong bụi mận gai), tiếng hót làm đẹp cho cuộc sống, làm đẹp cho cuộc đời, cho tâm hồn con người. Và với Thanh Hải, tiếng chim chiền chiện kia, màu sắc của hoa lục bình kia cũng chính là tiếng chim hay nhất, bông hoa đẹp nhất  mà nhà thơ lặng lẽ dâng cho đời, đúng như nhà thơ đã nói:

“Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc”

Cô giáo Lê Thị Thùy Dung, giáo viên Ngữ Văn, trường THCS -THPT Quốc tế Thăng Long.

 

 

 

 

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến