MỘT SỐ HƯỚNG GIẢNG DẠY TÁC PHẨM VĂN HỌC TRUNG ĐẠI VIỆT NAM
Trong chương trình Ngữ văn THCS – THPT, mảng văn học trung đại Việt Nam chiếm tỉ lệ khá lớn. Để giảng dạy tốt mảng tác phẩm này thực sự là một bài toán khó đối với giáo viên Ngữ văn nói chung. Bởi đúng như Giáo sư Phan Trọng Luận đã từng nhận xét: “Nội dung xưa kia dù tiến bộ đến đâu nhưng vẫn cách xa chúng ta về thế giới quan, về lý tưởng thẩm mĩ”. Là một giáo viên trẻ, mới ra trường, được phân công giảng dạy môn Ngữ văn lớp 7 và lớp 10, chương trình rất nặng kiến thức văn học trung đại, tôi vô cùng băn khoăn, trăn trở việc làm thế nào để dạy được tốt, được hay, để các em học sinh thấy hết được hùng tâm tráng trí, vẻ đẹp, tầm cao tư tưởng của các tiền nhân thông qua những áng thơ văn cổ. Xuất phát từ thực tiễn dạy học cùng với việc tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị đồng nghiệp đi trước, bản thân tôi tự rút ra một số kinh nghiệm giảng dạy các tác phẩm văn học trung đại như sau:
Thứ nhất: Từ điểm xuất phát là hiện tại, giáo viên phải giúp học sinh dựng lại bầu không khí của thời đại tác phẩm ra đời, tức là đặt tác phẩm vào trong hoàn cảnh lịch sử của nó. Tác phẩm Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt phải đặt trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống Tống, tác phẩm Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi phải đặt trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược thì mới hiểu được giá trị của tác phẩm, hào khí của thời đại, của dân tộc… Cái bi, cái hùng trong Bình Ngô đại cáo, tiếng kêu đứt ruột trong Truyện Kiều, nỗi cô đơn, sầu muộn, khắc khoải của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm… đều có nguồn gốc sâu xa từ bối cảnh văn hóa, lịch sử của thời đại.
Thứ hai: Giảng dạy văn học trung đại phải bám sát đặc trưng thể loại. Trong chương trình Ngữ văn THCS - THPT, học sinh được tiếp xúc với nhiều thể loại văn học trung đại khác nhau như: Thơ Đường luật, cáo, phú, văn tế, truyện thơ, ngâm khúc, tiểu thuyết chương hồi… Khi tiếp nhận thơ Đường, phải cho học sinh thấy được cái hay của nghệ thuật đối câu, đối chữ, đối ý, đối lời.Tiếp nhận một bài phú phải thấy được đặc trưng của thể loại này là sự phô bày, không hạn định số câu chữ, là sự độc đáo trong các biện pháp khoa trương, sử dụng nhiều điển cố, điển tích… Từ đặc trưng thể loại, ta còn thấy được nét cách tân, sáng tạo độc đáo của các tác giả như Nguyễn Trãi (xen câu thơ lục ngôn trong bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật), Nguyễn Du, …
Thứ ba: Giảng dạy văn học trung đại phải dựa trên thi pháp văn học trung đại. Bởi lẽ, quan niệm về con người, về thời gian, không gian… của người trung đại khác xa với người hiện đại. Ngoài ra, tiếp nhận văn học trung đại cũng cần chú ý thi pháp về kết cấu, ngôn ngữ, giọng điệu, xem xét từng bình diện để thấy những giá trị truyền thống bền vững và những cách tân sáng tạo của nhà văn, nhà thơ.
Thứ tư : Giảng dạy các tác phẩm văn học trung đại phải đặt trong mối liên hệ với cuộc sống thực tại hôm nay để cho các em thấy được bài học thực tiễn, ý nghĩa giá trị của tác phẩm cũng như tầm cao tư tưởng của tác gia. Ví dụ như chân lý khách quan về sự tồn tại độc lập có chủ quyền của quốc gia Đại Việt trong Bình Ngô đại cáo, Nam quốc sơn hà sẽ giúp các em ý thức được rằng mình phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn độc lập chủ quyền của dân tộc trong thời điểm nhạy cảm hiện nay.
Văn học như một dòng sông không ngừng được bồi đắp phù sa từ quá khứ. Mảng văn học trung đại là một mảng văn học giàu giá trị, kết tinh những tinh hoa văn học đời trước, trở thành điển phạm, mẫu mực cho các giai đoạn văn học đời sau. Hi vọng những chia sẻ nho nhỏ của tôi sẽ giúp cho việc giảng dạy văn học trung đại trong nhà trường THCS – THPT ngày càng được nâng cao.
Cô giáo Hoàng Thị Hường, giáo viên Ngữ Văn, trường THCS -THPT Quốc tế Thăng Long.