XUÂN VỀ BỒI HỒI NHỚ CHỢ TẾT XƯA!

1454723591 | 0 bình luận | 3484 xem

XUÂN VỀ BỒI HỒI NHỚ CHỢ TẾT XƯA!

Tết đến, xuân về, trong cái tiết trời lảng bảng sương giăng thì lòng tôi lại xốn xang, muốn mình làm trẻ con thêm một lần nữa. Bởi vì chắc có lẽ, trẻ con đợi Tết để được ăn nhiều quà bánh, nhận nhiều tiền lì xì. Nhà nhà, người người đợi mùa xuân, đợi năm mới, còn tôi đợi gì đây? Lòng nặng trĩu, phải chăng tôi đang hoài cổ. Thực ra tôi không đợi mà chính xác hơn là tôi đang nhớ, tôi nhớ những cái Tết xưa thường được theo mẹ đi chợ sắm đồ, được mẹ mua quà vặt cho ăn, được hít thở không khí chợ Tết quê, có một cái gì đó đằm thắm, dân dã, thân thương mà nồng đượm.

Chợ Tết là hình thức văn hóa đặc biệt của nước ta, một nước nông nghiệp gắn liền với nền văn minh lúa nước. Phiên chợ Tết thường được họp từ 25 đến 30 tháng chạp và thường đông nhất vào những ngày cuối. Các cụ xưa có câu “đói quanh năm no ba ngày Tết”. Vì thế, sau bao tháng ngày làm lụng vất vả, mệt nhọc, Tết là thời điểm mà các bà, các mẹ mong chờ nhất trong năm. Đi chợ Tết không đơn thuần chỉ là đi mua sắm mà còn đi để cầu duyên cầu tài lộc, mua may, bán đắt.…..  Dịp này, nhiều gia đình có “cây nhà, lá vườn” thường tranh thủ đem ra chợ bán để lấy tiền tiêu Tết, xen kẽ là những tiếng cười như pháo ran của những em nhỏ theo bố mẹ ra chợ. Như thường lệ, chợ Huyện quê tôi họp phiên chính vào ngày 29. Những ngày này chợ thường rất đông đúc kẻ mua, người bán. Tiếng cười nói râm ran, tiếng mặc cả, rồi cả những nụ cười tươi như nắng mai của các bà, các chị khi bán được đắt hàng làm ấm cả một vùng quê. Trong cái lạnh se se, lòng con trẻ ngồi sau xe đạp reo vui vì những sắc hoa đào, hoa mai rực rỡ như trên màu áo mới, lòng người như ấm lên vì những bông thược dược cánh to và dày đượm, những bông cúc đại vàng rực cả một gánh hàng hoa. Bỗng tôi chợt nhớ đến những câu văn của Vũ Bằng trong “Thương nhớ mười hai”: “Chợ Tết có một sức hấp dẫn hết sức kỳ lạ, muốn về nhưng lại muốn đi, đi để xem thiên hạ mua bán, đi để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương”.Đi chợ về rồi thì cả nhà mười mấy người đông đủ, mỗi người một chân một tay chuẩn bị mâm cơm tất niên. Gia đình đông đủ, rôm rả tiếng cười vui, lanh canh tiếng bát đũa, rộn ràng tiếng hàng xóm qua lại thăm hỏi, chúc tụng.

Ngày nay, tuy ta đã hòa vào nhịp sống số, với một cái chạm, một cú click là có đầy đủ mọi thứ nhưng ta vẫn nhớ lắm cái háo hức, mong chờ, cái ngòn ngọt, đườm đượm của chợ Tết xưa. Trong cuộc sống hối hả thường nhật, cùng với sự bề bộn của những lo toan, hi vọng rằng  hình ảnh chợ Tết quê vẫn phảng phất, lưu giữ về một nét đẹp trong tâm hồn người dân Việt, đặc biệt là trong lòng con trẻ hôm nay.  

Với mong muốn đó, nhân dịp xuân Bính Thân sắp đến, trường Quốc tế Thăng Long – Hệ thống giáo dục Bill Gates đã tổ chức chương trình Hội chợ văn hóa dân gian nhằm mục đích tái hiện lại trước mắt các em học sinh không gian chợ Tết xưa.Trong chương trình, các em được trực tiếp tham gia vào trang trí các gian hàng và bày bán nhiều mặt hàng đậm chất dân dã như: Các loại bánh, nấm hương, tranh vẽ,….Ngoài ra, các em còn được hòa mình vào nhiều trò chơi dân gian như: Tô tượng, ném còn, múa sạp… và đặc biệt là cuộc thi viết thư pháp.

 Sau hai ngày, hội chợ đã thành công rực rỡ, để lại những ấn tượng đậm nét trong mắt các em học sinh về văn hóa chợ Tết xưa. Hi vọng rằng, thế hệ trẻ hôm nay, trong đó có cả tôi nữa, vừa bắt kịp với xu hướng hiện đại nhưng vẫn vừa giữ được trong mình cái hồn của chợ Tết quê cũng như giữ được những nét đẹptruyền thống của dân tộc ta từ bao đời nay.

Hoàng Hường – Giáo viên môn Ngữ văn, trường THCS – THPT Quốc tế Thăng Long. 

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến