GIẢI PHÁP HỮU ÍCH GIÚP TRẺ 24 – 36 THÁNG NHẬN BIẾT TẬP NÓI
“Học ăn, học nói, học gói, học mở’.
Đúng vậy, phát triển ngôn ngữ cho trẻ là một trong những mục tiêu quan trọng nhất của giáo dục mầm non. Ngôn ngữ chính là công cụ để trẻ nhận thức và giao tiếp góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách cho trẻ.
Lứa tuổi nhà trẻ, trẻ còn non nớt, vụng về, nhút nhát cần được chăm sóc về mọi mặt cả tinh thần lẫn thể chất, nhất là trẻ đang trong giai đoạn bi bô tập nói. Trẻ được bố, mẹ và mọi người tập nói, trong đó cô giáo là người chịu trách nhiệm hướng dẫn bảo ban cho trẻ mọi điều, và việc quan trọng hơn cả là phải chú ý và quan tâm đến trẻ hơn về mọi mặt xem trẻ có nói đúng ngữ pháp không, có nói ngọng hay không….
Thế giới trẻ thơ là thế giới của hàng ngàn câu hỏi vì sao mà trẻ muốn khám phá. Đối với trẻ 24 – 36 tháng tuổi việc phát triển ngôn ngữ càng trở nên đặc biệt quan trọng, vì lúc này cơ quan phát âm và tai nghe ngôn ngữ đã phát triển và hoàn thiện, trẻ đã có khả năng phát âm đúng hầu hết các âm đơn và thanh điệu, số lượng từ tăng nhanh, khả năng chú ý còn rất ít, vốn từ còn nghèo nàn, nhận thức còn bị hạn chế. Vì vậy ngay từ những ngày đầu cô giáo cần gần gũi vỗ về, cho trẻ tiếp xúc với các loại đồ chơi, đồ vật, con vật dễ thương thông qua các giờ học “Nhận biết – Tập nói”. Khi trẻ đã tiếp xúc với mọi vật xung quanh thông qua giờ học “Nhận biết – Tập nói” giúp trẻ lĩnh hội được các kiến thức, vì thông qua đồ vật, đồ chơi trẻ hiểu và gọi tên một cách chính xác.
Là giáo viên dạy những tri thức đầu tiên của tiếng mẹ đẻ, đồng thời là người gần
gũi đối với trẻ, hàng ngày tôi luôn chú ý đến từng lời ăn, tiếng nói của trẻ, uốn nắn tật nói ngọng, nói lắp dẫn đến việc phát âm sai hay nói ngược, sai trật tự câu, nói trống không, tạo môi trường ngôn ngữ cho trẻ hoạt động.
Trong thực tiễn việc dạy trẻ nhà trẻ 24 – 36 tháng nhận biết tập nói như sau:
* Về nhận biết tên gọi:
Dạy trẻ nhận biết và nói đúng đối tượng, cho trẻ tập nói nhiều lần theo các hình thức: Cả lớp, tổ, nhóm, cá nhân.
Dạy trẻ nói đúng chính tả: Rõ lời, rõ ý.
* Nhận biết các đặc điểm công dụng của đối tượng.
Dạy trẻ nhận biết các đặc điểm nổi bật của đối tượng sau đó kết hợp cho trẻ tập nói và nói về công dụng của đối tượng đó.
* Về mở rộng kiến thức:
Dạy trẻ phát triển ngôn ngữ qua việc mở rộng vốn từ, tư duy tưởng tượng cho trẻ .
– Giáo dục trẻ biết cảm ơn, xin lỗi, lễ phép với người lớn khi giao tiếp, biết chào hỏi cô khi đến lớp, chào hỏi ông bà, bố mẹ và người lớn.
– Trong tiết học tôi chú ý rèn cho trẻ ngồi học ngay ngắn, không nằm ra sàn, không chạy lung tung trong khi học, biết lắng nghe và trả lời các câu hỏi của cô.
– Giọng nói giúp trẻ thể hiện thái độ, tình cảm của mình trong từng lời nói như: âu yếm, thủ thỉ, to, nhỏ.
– Để giúp trẻ nói được tốt hơn cần dùng các hình thức trò chuyện trong tất cả các hoạt động từ khi đón cho đến lúc trả trẻ. Cô có thể trò chuyện với trẻ như: Hôm nay ai đưa con đi học? Nhà con có những ai? …
– Xây dựng mối quan hệ giữa trẻ với trẻ, trẻ biết quan tâm đến nhau như khi một trẻ vắng không đi học thì trẻ khác sẽ hỏi.
* Qua thực tế tôi nhận thấy kết quả thể hiện trẻ có tiến bộ, trẻ nắm được các kiến thức cơ bản mà tôi truyền thụ cho đến khả năng chú ý, nhận xét và diễn đạt.
– Trẻ mạnh dạn tự tin hơn rất nhiều khi tham gia học tập và hoạt động như: nói đủ câu, to rõ ràng.
- Có những trẻ mới chỉ 22 tháng đã đọc được thẻ từ, đọc được mẩu truyện ngắn.
- Giờ học nhận biết tập nói trở nên sinh động, thoải mái.
Cô Đinh Thị Mai Hiền hướng dẫn trẻ tham gia hoạt động.
Cô Đinh Thị Mai Hiền hướng dẫn trẻ tham gia hoạt động.
Cô Đinh Thị Mai Hiền hướng dẫn trẻ tham gia hoạt động.
Từ những vốn kinh nghiệm tích luỹ, áp dụng và có hiệu quả ở lớp mình nhằm hình thành ở trẻ những yếu tố của một nhân cách phát triển toàn diện, hài hoà, đó là sự phát triển về ngôn ngữ, thẩm mỹ, đạo đức, trí tuệ và thể lực trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Góp phần đào tạo thế hệ trẻ thành những con người phát triển toàn diện, vì trẻ em hôm nay là thế giới của ngày mai.
Đinh Thị Mai Hiền
Giáo Viên Mầm Non