Kỹ năng sống phát huy tối ưu khả năng tiềm tàng của trẻ.
Kỹ năng sống phát huy tối ưu khả năng tiềm tàng của trẻ.
Rèn kỹ năng sống cho trẻ là một nhiệm vụ cơ bản - trọng yếu và cần thiết giúp trẻ thích nghi tốt hơn với môi trường xung quanh, hòa đồng với bạn bè và chủ động hơn khi tham gia các hoạt động. Để đạt được hiệu quả cao trước tiên giáo viên phải đưa ra: Hệ thống các bài tập được sắp xếp dựa trên nguyên tắc đồng tâm từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và giáo viên phải nắm được đặc điểm tính cách và khả năng của trẻ:
Bước đầu cô cho trẻ làm quen với những bài tập đơn giản nhất để phát triển khả năng điều chỉnh cơ thể: Đi bộ theo dây (Hai tay cho ra sau lưng bước đi theo hình dán đề can có sẵn, giáo viên có thể tăng độ khó của bài tập lên như: Chân vẫn đi như vậy nhưng tay sang ngang; Hai chân bước liền nhau nối gót, tay sang ngang có vật trên đầu,...)
Khi trẻ đã hình thành được kỹ năng cô cho trẻ thực hiện bài tập: “Cách ngồi xuống và đứng bên ghế; cách di chuyển đồ vật, dán miếng giấy,... Qua bài tập giúp trẻ học tập về khả năng điều chỉnh động tác, tính thứ tự, tính tập trung và tính độc lập.
Để nâng cao kỹ năng của trẻ cô còn cho trẻ rèn các ngón tay thả lỏng cổ tay, sự phối hợp tay mắt, phối hợp vận động, rèn luyện sự cảm nhận, sự tập trung chú ý, lập kế hoạch chu trình một hoạt động qua bài tập: Gõ búa cọc, gắp tem (bông), xúc hạt từ bát sang bát, rót hạt, ốc vít,… Hình thức chơi liên tục thay đổi để trẻ không nhàm chán. Với bộ gắp tem, ốc vít trẻ có thể chơi một mình hoặc theo nhóm rất linh hoạt.
Khi kỹ năng của các con thành thạo hơn cô cho trẻ tập: xếp hạt theo hình, xâu hạt,... Cô đưa ra các yêu cầu cho trẻ thực hiện từ dễ đến khó: ban đầu cho trẻ xếp theo hình vuông, hình tròn, hình chữ nhật để nhận dạng các hình, sau đó cô có thể cho trẻ xếp theo màu xanh,vàng, đỏ hay xếp theo quy tắc 1:1, 1:2,…
Ngoài giờ rèn kỹ năng sống cho trẻ, tôi thường xuyên cho trẻ chơi trong giờ hoạt động góc và hoạt động chiều, trả trẻ cho trẻ hoạt động mang tính cá nhân và nhóm nhỏ để cho trẻ mạnh dạn tự tin hơn với “Trò chơi ngón tay” những bài tập mang tính chất tích hợp nhằm giúp trẻ nhận thức về sự vật hiện tượng trong thế giới quanh mình, phát triển ngôn ngữ và xúc cảm, kỹ năng giao tiếp và kỹ năng vận động. Đồng thời trò chơi phát triển tư duy, óc tưởng tượng sáng tạo, sự chú ý, ý chí vượt qua những tình huống trong cuộc sống của trẻ như trò chơi: Làm bánh rán, cài khuy áo, cắp cua, vắt cam,…
Để trẻ đạt được kết quả tốt nhất, tôi còn thường xuyên trao đổi với phụ huynh về nội dung bài tập và một số trò chơi đơn giản để phụ huynh cùng phối hợp với giáo viên rèn luyện thêm cho các con khi ở nhà.
Qua đó có thể thấy kỹ năng sống là một kim chỉ nam để nhà trường và giáo viên định hướng các lĩnh vực giúp trẻ phát triển toàn diện: Nhân - Thể - Mỹ (Nhân cách - Thể lực - Thẩm mỹ). Sau đây là một số hình ảnh hoạt động của các con tại lớp:
Rèn kỹ năng sử dụng kẹp
CTV- Phạm Thị Lý
Giáo viên Mầm non