Phương pháp dạy học thông qua làm thí nghiệm cho trẻ mầm non

1632484609 | 0 bình luận | 8112 xem

 Như chúng ta đều biết, trẻ lứa tuổi mầm non thường học thông qua vui chơi và trải nghiệm. Trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu các kiến thức về thế giới xung quanh thông qua việc “học bằng chơi, chơi mà học”. Hiểu được vấn đề đó, trường Mầm non Thăng Long đã xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhận thức ở từng lứa tuổi. Đặc biệt, tôi đã lồng ghép đưa vào lớp học các hoạt động thí nghiệm khoa học vui để trẻ tìm hiểu và học hỏi những điều bổ ích về tự nhiên một cách dễ dàng, từ đó tạo hứng thú, kích thích tính tò mò, ham hiểu biết cho trẻ.

Khi tham gia làm thí nghiệm, trẻ được làm quen với dụng cụ thí nghiệm, các đồ dùng, thành phần làm thí nghiệm.Trẻ cần đặt câu hỏi và trả lời các câu hỏi liên quan đến thí nghiệm, trẻ được giáo viên hướng dẫn và tự thực hiện các bước làm thí nghiệm để tìm ra vấn đề cần khám phá ban đầu. Sau khi thực hành thí nghiệm, trẻ được yêu cầu nói lại quá trình, giải thích hiện tượng để từ đó tự trả lời chính thắc mắc của trẻ. Từ thực hành thí nghiệm, giáo viên có thể nêu một số ứng dụng trong cuộc sống có liên quan đến thí nghiệm hoặc giải thích một số hiện tượng xảy ra trong tự nhiên. Trong học kỳ I vừa qua, tôi đã cùng học sinh lớp mình thực hành một số thí nghiệm đơn giản nhưng vô cùng thú vị:

Cô và trẻ cùng thí nghiệm cơn mưa sắc màu

VD: Thí nghiệm ‘‘ Đánh bay vi khuẩn ’’  

B1: Đổ nước gần đầy chiếc đĩa

B2: Rắc hạt tiêu vào đĩa nước

B3: Chấm ngón tay vào đĩa nước  >> tay bị dính hạt tiêu

B4: Chấm tay khác vào nước rửa tay ( hoặc chất tẩy rửa khác) rồi chấm tay vào đĩa nước được rắc hạt tiêu

  • Hiện tượng xảy ra: Hạt tiêu dạt sang miệng đĩa
  • Qua thí nghiệm này các con lớp tôi đã nhận ra công dụng của các chất tẩy rửa và ý nghĩa của việc rửa tay. Từ đó các con luôn tự giác giữ vệ sinh và rửa tay thường xuyên.

VD: Thí nghiệm ‘‘ Trứng chìm- trứng nổi ’’

B1: Rót nước vào 2 cốc thủy tinh

B2: Thả 1 quả trứng sống vào 1 cốc nước  >>  trứng chìm

B3: Xúc 5 thìa muối trắng cho vào cốc nước còn lại, khuấy tan

B4: Thả quả trứng sống còn lại vào cốc nước   >> trứng nổi

Từ kết quả của thí nghiệm, trẻ lớp tôi nhận ra tác dụng khác của muối, liên hệ đến hiện tượng thiên nhiên (Vùng biển chết)

Cô Xuyến Chi hướng dẫn các con thí nghiệm

Các bạn cùng nhau làm thí nghiệm

Kết quả thí nghiệm làm các bạn rất ngạc nhiên và thích thú

Khi được tham gia thực hành các thí nghiệm khoa học, các con lớp tôi đều rất hào hứng. Các thí nghiệm dành cho đội tuổi mầm non hầu hết đều dễ thực hiện, phụ huynh có thể cùng con thực hiện tại nhà. Được trải nghiệm hoạt động khoa học từ bé, các con sẽ sớm hình thành tính tò mò, niềm yêu thích môn học này. Chúng ta hãy cùng kích thích tình yêu khoa học lớn lên trong trẻ!

Nguyễn Thị Xuyến Chi

Giáo viên Mầm non

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến