Trường Mầm non Thăng Long - Môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm

1523846239 | 0 bình luận | 2626 xem

Các nhà giáo dục đều phải thừa nhận rằng, cách tiếp cận tốt nhất để giáo dục trẻ đó là lấy trẻ làm trung tâm và ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực để thúc đẩy sự phát triển tính chủ động, khả năng tư duy phản biện và giải quyết vấn đề cho trẻ. Các cách tiếp cận tốt thường thể hiện tính tích hợp cao và kết nối việc học với thực tế đời sống của trẻ.

Môi trường giáo dục trong trường Mầm non là tổ hợp những điều kiện tự nhiên, xã hội cần thiết trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ ở trường. Xây dựng môi trường giáo dục phù hợp góp phần thỏa mãn nhu cầu vui chơi và hoạt động của trẻ. Trẻ sẽ tham gia vào các hoạt động và các loại trò chơi khác nhau tùy thuộc vào môi trường mà trẻ đang sống. Qua đó, nhân cách của trẻ được hình thành và phát triển toàn diện.

Ý thức được tầm quan trọng của môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, Trường Mầm non Thăng Long không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, đặc biệt chú trọng đến việc tạo cảnh quan và xây dựng môi trường giáo dục vừa đảm bảo tính thẩm mỹ vừa gần gũi, thân thiện, tận dụng mọi không gian và tạo ra những điều kiện, cơ hội tốt nhất cho trẻ được hoạt động chủ động, sáng tạo.

Nhà trường đã qui hoạch thiết kế tổng thể các khu vực trong nhà trường. Với tiêu chí: phân chia từng khu vực rõ ràng, khoa học, bố trí hợp lý, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, đặc biệt phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để kích thích tối đa trẻ hoạt động, nhà trường đã thiết kế khu phát triển vận động – khu vui chơi liên hoàn tại sảnh nhà C, khu vườn trồng rau tại tầng 7, khu chơi với cát nước, tận dụng các khoảng không gian tại sảnh 2 tầng nhà C xây dựng khu vui chơi sáng tạo, qui hoạch, thiết kế đa dạng để kích thích trẻ tích cực trải nghiệm, khám phá.

Các bài tập, trò chơi, chuẩn bị học liệu đồ dùng, trang thiết bị cho từng khu vực được nhà trường nghiên cứu, cân nhắc trước khi đưa vào sử dụng. Các trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời được đảm bảo tính an toàn, thẩm mỹ, hấp dẫn với trẻ, tăng cường cho trẻ được vận động. 

Ngoài những khu vực hoạt động chung trong toàn trường, mỗi lớp học đều quy hoạch các góc chơi sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ, khoa học, hợp lí, linh hoạt đảm bảo an toàn và thuận tiện cho trẻ và giáo viên sử dụng. Trang trí phòng lớp màu sắc trang nhã, thân thiện, phù hợp lứa tuổi, chiều cao phù hợp tầm nhìn của trẻ. Sử dụng sản phẩm của cô và trẻ sáng tạo, hiệu quả trong xây dựng các góc hoạt động trong lớp.

Ngoài lớp học và khu vui chơi ngoài trời, nhà trường còn bố trí thêm các phòng chức năng cho trẻ hoạt động có đầy đủ ánh sáng, được bố trí hài hòa, thẩm mỹ cùng các trang thiết bị hiện đại đáp ứng các hoạt động của trẻ.

Mỗi một lớp học của trường Mầm non Thăng Long cũng là một môi trường giáo dục, một không gian cho trẻ trải nghiệm khám phá thật tuyệt vời. Bên cạnh những trang thiết bị, đồ dùng đồ chơi được sắp xếp một cách hấp dẫn, sắp đặt hợp lý và tiện dụng là sự phong phú, đa dạng của các nguyên vật liệu tự nhiên và những vật liệu có thể tái sử dụng làm đồ dùng, đồ chơi. Các góc hoạt động mang tính mở cả về vị trí và nội dung hoạt động, không gò bó, cố định mà thường xuyên được thay đổi tạo sự mới lạ, hấp dẫn với trẻ. Đặc biệt, các giáo viên đã sử dụng chính sản phẩm trẻ tạo ra trong quá trình hoạt động để trưng bày và trang trí môi trường trong lớp học. Việc thu hút trẻ vào việc xây dựng môi trường giáo dục cùng cô giáo là những cơ hội quý báu để trẻ tận dụng kiến thức và kỹ năng đã được học và sáng tạo theo cách riêng của mình.

Môi trường xã hội trong trường Mầm non cũng là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng và hiệu quả giáo dục. Chính vì vậy, trường Mầm non Thăng Long đã tạo dựng một môi trường giao tiếp thân thiện, hòa đồng, ấm cúng, cởi mở giữa cô và trẻ, giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với môi trường xung quanh. Giáo viên tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp và thể hiện sự quan tâm của mình đối với mọi người, đối với sự vật hiện tượng xung quanh. Mọi cử chỉ lời nói và việc làm của giáo viên là chuẩn mực để trẻ noi theo đồng thời xây dựng mối quan hệ với bạn bè cùng học cùng chơi, đoàn kết, chia sẻ, đồng cảm. Chú trọng đến giáo dục cá nhân để phát huy tối ưu khả năng của từng trẻ, thể hiện tình cảm yêu thương, thái độ tôn trọng, tin tưởng, tạo cơ hội cho trẻ bộc lộ suy nghĩa tâm tư nguyện vọng của mình.

Theo bà Maria Montessori : “Môi trường phải phong phú về động lực, có thể khơi dậy sự hứng thú hoạt động và mời gọi trẻ nhỏ tự có trải nghiệm của riêng mình”.

Tại Trường Mầm non Thăng Long mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày trải nghiệm đầy lý thú.


Nguyễn Thị Vân 
Phó Hiệu trưởng – Trường Mầm non Thăng Long 
 

 

   
       
          

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến