XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG GÓC
XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG HOẠT ĐỘNG GÓC
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Câu nói đó khiến bản thân tôi cũng như các cô giáo mầm non luôn yêu thích và cố gắng mang đến cho các con những bé học sinh gắn bó với chúng tôi hàng ngày tại mái trường Mầm non Thăng Long thật nhiều niềm vui và nhiều điều bổ ích. Để làm được những điều đó, chúng tôi luôn cố gắng học hỏi và tìm ra nhiều điều mới để tạo ra được môi trường tốt nhất cho các con vui chơi, học tập. Đầu năm học, dựa trên bản định hướng kế hoạch của nhà trường về tiêu chí xây dựng môi trường “Lấy trẻ làm trung tâm”, bản thân tôi rất tâm đắc về “Vấn đề xây dựng môi trường hoạt động góc”, vì hoạt động góc là hoạt động mà trẻ nhỏ rất thích thú. Việc xây dựng môi trường là một trong những việc làm cần thiết để hoạt động góc mang lại hiệu quả cao. Chính vì vậy các giáo viên trong lớp đã xây dựng môi trường hoạt động góc như sau:
Trước tiên, các giáo viên trong lớp đọc và thảo luận tài liệu về xây dựng môi trường lấy trẻ làm trung tâm. Sau đó các giáo viên cùng nhau đưa ra ý tưởng cho việc xây dựng môi trường lớp học phù hợp với diện tích, không gian, số lượng trẻ trong lớp, khả năng sở thích chơi của trẻ trong lớp. Số lượng các góc được lựa chọn chơi tùy thuộc vào mỗi chủ đề mà giáo viên đưa vào kế hoạch tháng và kế hoạch tuần cho phù hợp. Các góc được lựa chon trong tháng phải: phong phú, linh hoạt, có sự liên kết giữa các góc chơi và phù hợp với nội dung của các hoạt động có trong tháng.
Cách quy hoạch các góc: Các góc đa dạng, phong phú, đảm bảo rằng trẻ có thể di chuyển dễ dàng giữa các góc, không va chạm vào nhau hoặc vấp ngã hay va chạm vào đồ vật. Đồ chơi nguyên liệu phù hợp với từng góc. Mỗi góc chơi gồm tên góc, nội quy góc chơi, giá kệ có bánh xe, mầu trang nhã, mảng tường mở (không nhất thiết cố định), đồ dùng, phương tiện học liệu, đồ chơi ngăn nắp, dễ lấy, dễ cất. Với những đồ dùng, đồ chơi mới được bố trí ở nơi dễ nhìn thấy, sắp xếp hấp dẫn, thu hút trẻ, còn với những đồ chơi cũ cô có thể để ở chỗ khuất hơn. Sản phẩm của trẻ gắn ở mảng tường mở hoặc vị trí do giáo viên định hướng. Đồ dùng phải được thay đổi liên tục theo từng tuần, từng tháng phù hợp với nội dung để tránh sự nhàm chán cho trẻ. Các đồ dùng tôi chủ yếu chọn chất liệu bảng vải dạ, có nhấp dính gai để cho trẻ được tự tay dán, đính, dính. Sắp xếp: những hoạt động tương đồng ở gần nhau (hoạt động tĩnh xa hoạt động động). Đa dạng các nguyên vật liệu hấp dẫn khuyến khích trẻ có thể sử dụng sáng tạo theo nhiều cách, các nguyên vật liệu sẵn có được tận dụng hợp lí. Tạo nhiều cơ hội cho trẻ lựa chọn và sáng tạo. Sử dụng kệ, giá, chiếu, bàn để giới hạn không gian góc giúp trẻ dễ tập trung hơn, có nhiều cơ hội phát triển vận động tinh, không làm ảnh hưởng giữa các góc chơi
Trong năm hoc này, tôi đặc biệt chú trọng vào việc xây dựng và rèn cho trẻ trong các góc kỹ năng sống và góc học tập:
+ Góc kỹ năng sống: Giáo viên chuẩn bị đa dạng đồ dùng. Ngoài việc sưu tầm và mua những đồ dùng có sẵn giáo viên còn chú trọng việc chuẩn bị những đồ dùng do cô và cháu tự tạo ra như: Khung cài cúc áo, khung kéo khóa, khung buộc dây giầy, các loại hột hạt, phễu, bát, thìa, cốc, khay, dây len đan tết…
+ Góc học tập: Giáo viên chuẩn bị nhiều tranh ảnh, các phiếu bài tập, dụng cụ đong đo, các hình học, chữ số, bảng, phấn, hột, hạt cho trẻ học toán (ôn số lượng, tách ghộp, thêm bớt, sắp xếp theo quy tắc,...) giúp trẻ thực hành và ôn lại các bài học trong tiết học chính mà trẻ chưa nắm rõ.
Để tạo được nhiều đồ dùng đồ chơi cho trẻ hoạt động trong các góc, cần có sự chủ động phối hợp với các giáo viên cùng lớp, tranh thủ làm trong các giờ nghỉ trưa và các ngày thứ 7 hàng tuần. Ngoài ra để trẻ được năng động và tích cực hơn, trong các giờ buổi chiều giáo viên còn hướng dẫn và cho trẻ tự làm, tự tạo ra các đồ dùng đồ chơi để phục vụ cho chính trẻ chơi trong các góc mà trẻ thích. Đồng thời trước mỗi chủ đề mới giáo viên thường khuyến khích phụ huynh quyên góp các nguyên vật liệu, đồ dùng có liên quan đến chủ đề học của các con như : Sách báo, giấy, nguyên vật liệu phế thải… để làm đồ dùng đồ chơi cho các con.
Nhờ có sự xây dựng môi trường cơ sở vật chất tốt cho hoạt động góc mà hiệu quả của việc trẻ chơi góc ở lớp rất tốt. Trẻ có kỹ năng chơi nhuần nhuyễn, giúp trẻ mạnh dạn, tự tin thể hiện mình. Học tập và vui chơi là hoạt động chủ đạo của các con tại trường. Vì vậy, chúng tôi những người giáo viên mầm non chỉ mong sao các con của mình sẽ có nhiều niềm vui và được trải nghiệm nhiều hơn nữa tại mái trường Bill Gates, và chúng tôi sẽ cố gắng để cho các con một môi trường tốt nhất. Mỗi ngày tới lớp nhìn thấy nụ cười của các con đó cũng chính là hạnh phúc của chúng tôi!
CTV Nguyễn Thị Oanh
Giáo viên Mầm non