'Hội chứng' cưng con của cha mẹ thời nay: Làm hại đứa trẻ
“Hội chứng” con cưng
Đã ba tuổi nhưng T.T.M. vẫn không chịu ăn cháo, không biết tự múc ăn, thậm chí không tự cầm được ly uống nước. Thấy con hoài vẫn không biết nói, ba mẹ M. mới phát hoảng đưa bé đến các bệnh viện nhi khám tầm soát sức khỏe.
Tuy nhiên, các kết quả thăm khám đều cho thấy M. không bị bệnh gì, không có vấn đề về sức khỏe mà chỉ đơn giản là bé không biết và không chịu làm.
Hỏi ra mới biết, từ nhỏ bé đã được “cưng như trứng, hứng như hoa”. Tất tần tật mọi hoạt động của bé đều được bà nội và một cô bảo mẫu chăm chút. Bà đút ăn mỗi bữa. Sợ cháu khó nuốt, đau bao tử nên tất cả đồ ăn của bé đều được xay nhuyễn và loãng gần như sữa. Bữa chính của M. cũng là sữa, còn thức ăn thì đúng nghĩa là chỉ… ăn dặm.
M. muốn uống nước bà cũng cầm ly, đút tận miệng. Đi đâu, làm gì, M. cũng được bà, ba mẹ ẵm bồng. Ra ngoài thì đi xe hơi và xuống xe thì ngồi xe đẩy. M. cũng không được cho đặt chân xuống đất vì sợ dơ, lạnh bệnh dù nhà ngày lau mấy lượt, sạch bong.
Trường hợp của M. không phải là duy nhất được phụ huynh lo lắng đưa đi khám tại các bệnh viện vì sợ con có vấn đề phát triển trí não, tâm thần vận động.
Bé T.G.K. (3 tuổi) cũng được mẹ đưa đến bệnh viện khám tai mũi họng vì sợ con bị… câm vì không biết nói. Cũng như M., bé K. không bị khuyết tật hay bệnh gì mà chỉ thiếu kỹ năng sống do “bệnh” quá cưng con của phụ huynh.
Từ nhỏ, muốn gì hay có bất cứ nhu cầu gì bé chỉ cần chỉ tay, thậm chí chỉ cần “a, a” một tiếng là bà, ba mẹ và bảo mẫu hiểu ý, đáp ứng ngay. Điều này đã khiến bé không cần phát triển kỹ năng nói để giao tiếp.
Việc "ôm ấp" cưng con quá mức khi ến trẻ cứ mãi là một em bé |
Trong khi đó, bé M.T.N. (4 tuổi) nói rất nhiều, nhưng luôn với một âm điệu, bản sắc như giọng nói của các nhân vật trong phim hoạt hình, chú mèo (trong trò chơi Talking Tom). Một trường hợp khác là N.B.A. (4 tuổi), thì “vuốt” và sử dụng Ipad, điện thoại rất điêu luyện nhưng lại không hề biết tiếp xúc, giao tiếp với mọi người xung quanh.
Những trường hợp này không phải điều trị ở bệnh viện mà được ba mẹ tìm đến trung tâm dạy, rèn luyện kỹ năng cho trẻ để bé được dạy các kỹ năng cơ bản (ăn, nói, đi, giao tiếp…) như bao bạn đồng trang lứa khác.
Hại con vì sợ đủ thứ
Bà Khổng Minh Giang, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kỹ năng Rồng Việt (TP.HCM), cho biết: Hiện nay, trẻ chậm phát triển vì được ba mẹ “ủ” quá kỹ không phải là ít. Khả năng thích nghi, đề kháng với môi trường sống của trẻ suốt ngày được phụ huynh “ẵm bồng” cũng rất kém.
Chỉ riêng tại Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kỹ năng Rồng Việt, mỗi tuần có đến hơn 20 trường hợp các bé được phụ huynh đưa đến kiểm tra năng lực vì không phát triển các kỹ năng sống cơ bản. Hiện tại, có đến gần 200 bé đang được các cô ở trung tâm dạy lại những kỹ năng cơ bản này.
“Sự chăm chút, bao bọc, cưng con quá mức của phụ huynh đã không cho trẻ lớn lên, phát triển. Hiện giờ, không ít phụ huynh đang tước đoạt những kỹ năng sống cơ bản của trẻ”, bà Giang chia sẻ.
Bên cạnh đó, phụ huynh sợ đủ thứ cũng khiến con trẻ không có nhiều cơ hội tiếp xúc với môi trường, đời sống xung quanh.
Chị Mai Huyền (ngụ Q.Gò Vấp) không dám cho con ra công viên nhỏ trong xóm chơi với các bạn dù khu nhà chị cũng có nhiều bé 9-10 tuổi, đồng lứa con trai chị. Bởi lẽ chị sợ bé té ngã, tai nạn, bị ăn hiếp và đặc biệt là sợ… bắt cóc.
Trong khi đó, khi được nhóm bạn cũng là các mẹ bỉm sữa rủ cuối tuần cho con đi đến một khu vui chơi thiếu nhi chơi thì chị Bảo Thu (ngụ Q.Bình Thạnh) gạt phắt. Theo chị Thu: “Đến đó chơi về không khéo bị tay chân miệng. Đồ chơi ở đó hết đưa này chơi, đến đứa khác cầm nắm, có được vệ sinh kỹ càng đâu. Đi chơi có một buổi mà con nằm ra bệnh cả tuần, chỉ tội con, khổ mẹ”.
Tương tự, dù đã gần hai tuổi nhưng bé Su Su, con của chị Thu Hà (ngụ Q.7) vẫn chưa được đi đâu ra ngoài chơi vì mẹ sợ khói, bụi ô nhiễm, xe cộ đông đúc, còn bà nội, bà ngoại thì sợ nắng – mưa lại bệnh.
Mặc dù được “ủ” kỹ nhưng bệnh thì các bé vẫn cứ bệnh, thậm chí còn dễ bệnh hơn các bé khác. Bé Mina (2 tuổi) con chị Thu dù ở nhà suốt ngày nhưng chỉ cần chuyển mùa hay thậm chí có hôm tắm lâu hơn một chút, nước lạnh hơn chút cũng… sụt sịt.
Trăm thứ sợ đang vây quanh các bậc phụ huynh và nhiều người đang cố gắng mọi cách để bảo vệ con mình mà theo các mẹ như thế là “để con được an toàn nhất”.
Vui chơi, tiếp xúc với môi trường bên ngoài |
Tuy nhiên, “nếu trẻ ở trong nhà thì lúc nào cũng an toàn nhưng lại như con búp bê”, bà Giang đánh giá.
Trẻ được quyền... bệnh
“Khi ba mẹ, ông bà làm hết các việc thì cũng đồng nghĩa với việc tước đi cơ hội được học hỏi, được thử làm để hoàn thiện kỹ năng của trẻ. Khi trẻ không gặp tình huống thì sao trẻ học, biết cách và có kinh nghiệm giải quyết tình huống. Trẻ không tiếp xúc với môi trường xung quanh, những biến đổi của thời tiết thì sao có sức đề kháng. Không chạy chơi với bạn bè, tiếp xúc với người xung quanh thì sao có kỹ năng giao tiếp”, bà Giang chia sẻ.
Theo bác sĩ chuyên khoa nhi Nguyễn Trí Đoàn: Bà mẹ nào cũng thương con nên lúc nào cũng muốn con được bảo vệ vì thế trẻ không có cơ hội tiếp xúc với bệnh. Tình thương đó đúng, chính đáng nhưng không có lợi cho trẻ. Bệnh ở trẻ đa số là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi… Những bệnh đó muốn ngừa được thì trẻ phải được quyền bệnh, nghĩa là bố mẹ phải cho bé bệnh thì cơ thể mới sinh ra kháng thể. Một số bệnh có thể chích ngừa được thì nên cho trẻ đi chích ngừa.
Theo các chuyên gia, để không rơi vào “hội chứng” quá “ủ” con, để các bé phát triển tự nhiên thì phụ huynh trước khi làm cha mẹ cần tìm hiểu để có kiến thức về các giai đoạn phát triển của trẻ, giúp bé triển tốt nhất.
Phụ huynh nên siêng năng hơn trong việc chăm con và đặt biệt là chơi với con. Nhiều phụ huynh vì bận việc cứ đưa cho con điện thoại, Ipad để con ngồi yên chơi. Thế là trẻ chỉ biết có thiết bị điện tử mà hoàn toàn không có kỹ năng giao tiếp với mọi người, kể cả với ba mẹ.
Nguyên Mi