GIÁO VIÊN MẦM NON CẦN LẮM MỘT TRÁI TIM NHÂN ÁI
Lòng nhân ái đã trở thành một truyền thống, một giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Lòng nhân ái là tình cảm thiêng liêng, là tình yêu thương con người, nó đã trở thành gốc rễ, ngọn nguồn để mỗi người hành động, cư xử sao cho hợp tình, hợp nghĩa trong gia đình, cộng đồng. Đối với giáo dục, mỗi người thầy không chỉ cần khối lượng tri thức đủ rộng và phương pháp giáo dục phù hợp mà đầu tiên cần đặt lên trước hết là người có trái tim biết yêu thương và quý trọng con người, bao dung, độ lượng... Đó chính là lòng nhân ái của người giáo viên. Đối với trẻ mầm non, cô giáo không chỉ là người truyền thụ tri thức mà còn là người yêu thương, chăm sóc che chở và bảo vệ trẻ. Nói cách khác, ở trường mầm non, cô giáo là người thầy, người bạn, người mẹ hiền thứ hai của trẻ.
Tuy nhiên, trong thực tế gần đây, hàng loạt các vụ bạo hành tại các trường mầm non, các cơ sở trông giữ trẻ không chỉ tại các vùng miền núi, nông thôn xa xôi hẻo lánh – nơi có trình độ dân trí còn hạn chế mà còn ở trung tâm thành phố lớn. Đây cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh khiến chúng ta cần suy nghĩ về nhân cách con người về lòng nhân ái của giáo viên mầm non.
Với trẻ càng nhỏ, giáo viên càng cần nhiều việc để giúp trẻ vệ sinh cá nhân, dọn dẹp lớp học, chăm sóc trẻ, nhiều nhiệm vụ được đặt ra với các cô giáo. Đối với những trẻ lớn, chúng trở nên hiếu động hơn, thích tò mò, khám phá, chúng luôn đặt ra những câu hỏi vì sao? Nhiệm vụ đặt ra cho giáo viên trong công tác giảng dạy phải luôn luôn đổi mới, sáng tạo, phát huy tính chủ động, sáng tạo của trẻ, điều đó làm không ít giáo viên trở lên lúng túng, căng thẳng.
Luôn cần tình yêu con trẻ của mỗi giáo viên mầm non
“Người yêu người sống để yêu nhau”- nếu hiểu được câu nói này thì chúng ta không ai là người không có lòng nhân ái. Lòng nhân ái sẽ giúp các cô giáo đến với trẻ bằng tấm lòng thương yêu thực sự, chăm sóc, dạy dỗ trẻ, nghĩ đến trẻ như nghĩ về những đứa con của mình và sẽ cảm thấy thật vui, thật hạnh phúc khi được làm việc, vui chơi cùng với những đứa con yêu của mình. Lòng nhân ái giúp các cô giáo mở rộng lòng bao dụng dễ thứ tha cho những lỗi lầm của trẻ gây ra và có cách cư xử đúng mực giúp trẻ hiểu được những hành động đúng sai trong cuộc sống. Hãy ân cần hỏi han, trò chuyện, tâm sự với trẻ, cùng giải quyết những vướng mắc những lỗi sai mà trẻ mắc phải để trẻ nhận ra vấn đề mà cô giáo không làm tổn thương đến đứa trẻ. Tôi biết để làm được điều đó trong mọi lúc, mọi nơi đối với trẻ không hề dễ, bởi cô giáo không chỉ có một học sinh mà có đến hàng chục học sinh đều cần sự ân cần , trìu mến và nâng niu. Và đó chính là thành công lớn nhất của bạn khi bạn đang sống với sự nghiệp giáo dục- sự nghiệp trồng người đầy cao cả này.
Có thể khẳng định rằng dù trong bất cứ thời đại nào đi chăng nữa, người giáo viên mầm non vẫn luôn luôn cần một tấm lòng nhân ái, một trái tim biết yêu thương, đặc biệt là đối với trẻ em. Biết khơi dậy và phát huy lòng nhân ái ấy trong công tác chăm sóc và giáo dục trẻ là một nhiệm vụ hết sức cần thiết. Dùng lòng nhân ái để giáo dục trẻ là một con đường chân chính nhất và hiệu quả nhất bởi “Nhân cách của người thầy chính là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đến nhân cách của người học, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa hay bất kỳ câu chuyện đạo đức, bất kỳ hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác ” (Usinxki). Giáo dục mầm non cần lắm một trái tim nhân ái, một tâm hồn biết yêu thương. Đó cũng chính là thông điệp tôi muốn gửi đến các cô giáo đặc biệt là các cô giáo mầm non trên khắp mọi miền Tổ Quốc. Mong muốn các giáo viên mầm non sẽ có lòng nhân ái để giáo dục luôn là điểm sáng trong xã hội con người hiện nay và mai sau.
TRẦN DUYÊN
Ảnh: Ban Truyền thông BGS