Người bạn lớn tuổi cùng con học tiếng Anh
Việc dạy con học tiếng Anh ở nhà là một điều hoàn toàn nên làm nhưng đừng tự biến mình thành “cô giáo thứ hai”, mà hãy biến mình thành “người bạn học lớn tuổi” của con em mình. Nhiệm vụ chính của cha mẹ là tạo hứng thú học tiếng Anh và dùng tiếng Anh tại gia đình cho trẻ song song với việc tạo một môi trường để trẻ có thể sử dụng tiếng Anh thường xuyên mà không nhàm chán. Dưới đây là một số gợi ý hữu ích mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo:
1. Đặt một tên gọi ở nhà bằng tiếng Anh (nickname) cho con. Có khách quen đến nhà, có thể cho con tự giới thiệu nickname của mình. Việc này sẽ giúp các con tự tin hơn và bắt đầu hình thành thói quen sử dụng ngoại ngữ trong cuộc sống.
2. Tạo cho trẻ hứng thú học tiếng Anh bằng cách liên kết những gì các con thích như xem các kênh hoạt hình bằng tiết Anh dành cho trẻ và chuyện trò với con về nhân vật hay nội dung phim con thích.
3. Tạo cho trẻ một môi trường ngoại ngữ. Khi chào con, bạn hãy chào bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Sau làm mẫu, phụ huynh yêu cầu con cũng làm lại như vậy. Ngoài ra, phương pháp này có thể sử dụng với tất cả các đồ vật trong nhà như: quả táo còn có một cái tên rất dễ thương nữa là Apple…
4. Luyện tập thường xuyên. Trong những lúc rảnh rỗi, hãy cùng con chơi trò chơi đố chữ bằng tiếng Anh. Bố mẹ hỏi bằng tiếng Việt và con trả lời bằng tiếng Anh hoặc ngược lại. Sau mỗi câu hỏi của bố mẹ thì đến lượt câu hỏi của con.Thỉnh thoảng, bố mẹ hãy cố tình trả lời sai để con “sửa”. Đây là cách rất hiệu quả và để trẻ không chán khi chơi.
5. Luôn động viên kịp thời. Dù các con đã có cả một hộp đầy kẹo nhưng vẫn rất hào hứng nếu được thưởng một cái kẹo cho mỗi câu trả lời đúng của mình.
6. Liên quan tất cả các kiến thức với các đồ vật hoặc hành động tương ứng hoặc tạo ra các chuỗi động tác với các từ để trẻ dễ nhớ.
Nếu nói banana, đừng chỉ đưa cho con quả chuối. Hãy hỏi thêm con một số câu hỏi liên quan như “Con thích ăn chuối không?”, “Chuối có ngon không?”, “Quả chuối màu gì đây con?”…Bé có thể trả lời bằng tiếng Việt theo thói quen, bạn hãy giúp con trả lời cả bằng tiếng Anh nữa.
7. Nếu được, hãy làm mọi thứ trở nên buồn cười để các con dễ nhớ và nhớ lâu.
Nếu nói chicken, thay vì chỉ cho con xem ảnh chú gà, bạn hãy vừa cho con xem ảnh, vừa ngồi xổm, đi lạch bạch quanh nhà, hai khuỷu tay đập lên đập xuống và kêu “chip chíp”.
8. Sự tò mò là “thứ thuốc kích thích” không bao giờ hết hiệu nghiệm. Hãy bỏ một đồ vật vào trong hộp (túi) và cho các con chạm để đoán đồ vật rồi nói bằng tiếng Anh. Việc này sẽ tạo hứng thú cho các con. Hãy nhớ thường xuyên thay đổi vật trong hộp (túi) để nó luôn hấp dẫn trẻ.
Với trẻ em, cần sự kiên trì nhưng nếu thấy dấu hiệu con không còn hứng thú, nên thay đổi cách tiếp cận. Đừng nói nhiều - hãy để các con là người nói, hãy hỏi các con nhiều câu hỏi. Hãy luôn tự nhủ rằng “học ít mà hiệu quả còn hơn học nhiều mà hiệu quả ít”.
Lê Thị Tú Anh
Giáo Viên Tiểu học