Chuẩn bị cho trẻ tâm thế vào lớp Một
Có thể nói đi học lớp Một là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của trẻ vì trẻ chuyển từ hoạt động vui chơi là chủ đạo của lứa tuổi mẫu giáo sang hoạt động học tập là chủ đạo của học sinh tiểu học. Vì vậy việc chuẩn bị cho trẻ tâm thế vào lớp Một là việc rất quan trọng.
Để trẻ hào hứng thích thú đi học lớp Một, tôi thường kể cho trẻ nghe những câu chuyện thú vị về trường Tiểu học để khơi dậy sự tò mò và mong muốn được lên lớp Một. Với những câu hỏi mà trẻ quan tâm, tôi hay nói với trẻ rằng: “Lên lớp Một, con sẽ được biết”. Vì thế mà trẻ rất háo hức, lúc nào cũng hỏi “Cô ơi! Bao giờ thì được lên lớp Một?”. Và hiểu được mong muốn của trẻ, Trường Mầm non và Trường Tiểu học Quốc tế Thăng Long đã mở ra lớp học hành trang vào lớp Một, giúp trẻ làm quen với cô giáo mới, môi trường mới, bàn ghế mới... Khi tham gia lớp học trải nghiệm, trẻ rất vui và hào hứng, lúc nào cũng mong đến buổi học.
Ngay từ đầu năm các cô giáo trong lớp đã xác định rõ và chủ động rèn cho trẻ tâm thế vào lớp Một.
Đầu tiên, tôi rèn cho các con tư thế ngồi, cách cầm bút đúng cách, vì đó là những kỹ năng cần thiết nhất của trẻ khi vào lớp Một. Tôi rèn cho trẻ tư thế ngồi, ngồi thẳng lưng, hai chân để thoải mái, không cho chân lên ghế, khi viết không cúi sát xuống vở, cầm bút bằng tay phải và cầm bút bằng ba đầu ngón tay. Tôi rèn thói quen này cho trẻ vào tất cả các giờ học khi trẻ được ngồi trên bàn, ghế, rèn cho trẻ vào các hoạt động chiều khi trẻ làm bài tập, khi trẻ tô, vẽ...
Đầu năm học, có một số bạn khi viết vẫn ngồi nghiêng, còn cầm bút bằng bốn đầu ngón tay, tôi đã trao đổi tình hình với phụ huynh và đã cùng với phụ huynh rèn cho con. Bên cạnh đó, tôi cũng đã gửi một số bài viết, hình ảnh về cách ngồi và cầm bút đúng cách cho phụ huynh qua email, để phụ huynh tham khảo và rèn cho trẻ ở nhà. Và lớp tôi nhận được sự quan tâm từ phía phụ huynh. Phụ huynh lớp tôi được học và làm việc ở một số nước có nền giáo dục phát triển, vì thế phụ huynh cũng đã gửi cho các cô một số bài viết rất hay để giúp trẻ phát triển, để giúp trẻ phát triển, để giúp trẻ “Hội nhập quốc tế”.
Để hình thành cho trẻ thói quen học tập tự giác, tôi giao bài tập về nhà hàng tuần cho trẻ và kiểm tra lại bài tập vào sáng thứ Hai. Qua sự trao đổi lại từ phía phụ huynh, các con rất tự giác làm bài tập cô giao, đa số trẻ đã còn không cần sự nhắc nhở của bố mẹ mà rất tự giác làm bài.
Khi bước vào lớp Một các con sẽ phải tự chuẩn bị sách vở, chuẩn bị đồ dùng cho mình. Chính vì thế ngay từ đầu năm, tôi đã rèn cho trẻ kỹ năng tự lập. Với học sinh lớp Simba 3 tôi để cho trẻ làm hết những việc mà trẻ có thể làm được, lấy cất đồ dùng, chuẩn bị vở, bút màu, bút chì trước khi làm bài tập, cũng như trẻ sẽ tự chuẩn bị quần áo trước khi đi học, tự chuẩn bị đồ khi đi thăm quan. Tôi giao cho trẻ file bài tập cá nhân của trẻ, trẻ sẽ phải tự bảo quản giữ gìn vở của mình. Đa số trẻ rất có ý thức bảo vệ giữ gìn đồ dùng cá nhân của mình.
Và tôi nhận thấy việc chủ động trong giờ học là việc quan trọng để trẻ bước vào lớp Một. Như ở lớp dưới trẻ không giơ tay phát biểu mà chỉ ngồi dưới nói leo cùng các bạn. Chính vì thế mà tôi luôn rèn cho học sinh lớp tôi, giơ tay khi muốn trả lời, và khi đứng lên trả lời thì phải trả lời to, rõ ràng. Cô luôn nhắc nhở, động viên, khuyến khích để giúp trẻ tự tin hơn, vì thế trẻ lớp tôi đã mạnh dạn hơn rất nhiều, tích cực giơ tay phát biểu hơn.
Do đó việc chuẩn bị tâm thế cho trẻ năm tuổi vào lớp Một có vai trò vô cùng quan trọng. Để đáp ứng được những nhu cầu của hoạt động học tập khi lên cấp Tiểu học, giáo viên phải luôn chú trọng trang bị cho trẻ về mọi mặt, từ thể lực, nhận thức đến các kỹ năng sống cơ bản… góp phần tạo cho trẻ một tiền đề tốt, để giúp trẻ tự tin hơn khi bước vào lớp Một.
Quách Thị Thương
Giáo viên Mầm non