Giúp trẻ thích học Toán thông qua các trò chơi

1530326522 | 0 bình luận | 3251 xem

Giúp trẻ thích học Toán thông qua các trò chơi

   Quá trình hình thành các biểu tượng ban đầu về Toán ở trẻ mẫu giáo bé ba đến bốn tuổi đóng vai trò quan trọng trong bồi dưỡng khả năng tìm tòi, quan sát, so sánh cũng như rèn luyện tư duy, kích thích tính sáng tạo, phát triển ngôn ngữ và góp phần hình thành nhân cách cho trẻ.

    Một phương pháp hiệu quả là tổ chức cho trẻ làm quen với Toán thông qua các trò chơi hấp dẫn, qua các hoạt động gắn liền cuộc sống thực để kích thích tính sáng tạo của trẻ.

    Giáo viên cần tích cực cho trẻ chơi các trò chơi để trẻ tiếp tục được luyện tập, củng cố các kiến thức đã học như: trò chơi vận động, trò chơi dân gian, trò chơi học tập.

    Một số ví dụ về cách tổ chức trò chơi như sau:

+ Trò chơi “Thi ai đếm đúng”: Giáo viên chuẩn bị khoảng năm tới bảy dây có thắt nút đủ tốt để trẻ có thể sờ và nhận ra được số lượng dây; băng bịt mắt, trống. Trẻ không được nhìn, chỉ dùng tay đếm.

   Trẻ lên chơi theo nhóm, sau khi bịt mắt trẻ, cô phát cho mỗi trẻ một dây có thắt nhiều nút. Trẻ dùng tay sờ, đếm xem dây của mình có bao nhiêu nút thắt, khi có hiệu lệnh nhóm trẻ lên chơi bắt đầu đếm thi xem ai đếm nhanh.

+ Trò chơi “Thi ai nhanh”: Giáo viên chuẩn bị mỗi trẻ có ít nhất hai hình, sau đó nâng dần số hình theo mỗi lần chơi. Mỗi hình có màu sắc và kích thước khác nhau. Trẻ lấy hình theo đúng hiệu lệnh. Khi giáo viên yêu cầu, trẻ chọn đúng hình giơ lên và nói tên hình, sau đó không cho trẻ nhìn hình giơ lên mà nhắm mắt tìm hình giơ lên.

+ Trò chơi “Tay ai khéo”: Giáo viên chuẩn bị mỗi trẻ năm que tính có độ dài khác nhau, khăn bịt mắt. Trẻ lên chơi được bịt mắt, giáo viên yêu cầu trẻ chọn que dài nhất hoặc que ngắn nhất.

+ Trò chơi "Hãy làm lại như cũ": Giáo viên chuẩn bị chậu hoa cúc, hoa hồng, hoa đào, hoa mai và mô hình ngôi nhà. Giáo viên cho trẻ quan sát mô hình và nói tên các loài hoa trong mô hình, sau đó yêu cầu trẻ đặt các loại hoa ở vị trí, trước sau, phải trái của ngôi nhà (ngôi nhà ở giữa). Khi chơi, trẻ nhắm mắt lại, cô thay đổi vị trí các chậu hoa, trẻ mở mắt phải nói được cái gì đã thay đổi, thay đổi như thế nào? Gọi trẻ xếp lại như cũ.

Những lưu ý khi tổ chức trò chơi

  Nội dung, hành động và luật chơi phải nâng dần từ đơn giản đến phức tạp.

   Ví dụ, trò chơi “Ô tô về bến”, lúc đầu giáo viên chỉ yêu cầu trẻ về đúng bến với đúng số lượng cô yêu cầu, sau đó về đúng bến có số lượng cả hình dạng hoặc màu sắc. Có thể thay đổi hình thức chơi “Thuyền về bến” để trẻ không nhàm chán.

   Trong quá trình chơi, giáo viên phải tùy vào khả năng tiếp thu của trẻ để nâng dần mức độ, yêu cầu của trò chơi bằng cách phức tạp dần của trò chơi, điều kiện chơi, hiệu lệnh, luật chơi để trẻ được thực sự luyện tập, củng cố kiến thức của mình.

 

CTV- Lê Thị Thanh Thúy

Giáo viên Mầm non 

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến