Hệ luỵ từ những giáo viên có điểm đầu vào thấp

1501947876 | 0 bình luận | 2810 xem

20 năm đào tạo giáo viên tiểu học, TS Vũ Thu Hương chia sẻ về những hạn chế của sinh viên có đầu vào thấp. Bill Gates Schools đăng tải bài viết này để nhắc nhở chúng ta luôn coi trọng năng lức đội ngũ giáo viên trong công tác tuyển dụng và lựa chọn từ chất lượng đầu vào của các trường Đại học.

 

he-luy-tu-nhung-giao-vien-co-diem-dau-vao-thap

TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: NVCC.

 

Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 7-8, các gia đình thí sinh lại được dịp xôn xao vì điểm thi. Năm nay, với cơ chế mới, kết quả thi của thí sinh cao vọt khiến điểm chuẩn các trường cũng tăng lên mức chót vót. Vậy nhưng, một số trường Sư phạm lại có điểm chuẩn thấp ở mức bằng hoặc hơn điểm sàn chút xíu. Là giảng viên sư phạm, tôi không khỏi lo âu khi nghĩ đến chất lượng giáo viên.

Suốt 20 năm trong nghề, tôi nhận thấy có sự phân hóa về trình độ giữa những nhóm sinh viên có điểm đầu vào khác nhau. Các em có điểm thi cao thường dễ dàng đạt được bảng điểm đẹp sau khi ra trường. Những em này còn năng động, chịu khó tham gia các hoạt động của khoa, trường nên khi ra làm nghề có kỹ năng hoạt động giáo dục tốt. Đó chính là nền tảng của các giáo viên giỏi. Rất nhiều em đã thành đạt và trở thành niềm tự hào của những người đào tạo ra giáo viên chúng tôi.

Với sinh viên có điểm đầu vào thấp, các em thường chủ quan, tuột dốc dần do kém chịu đựng áp lực học tập và sinh hoạt của môi trường đại học. Khối các trường Sư phạm từ lâu vẫn giữ được sự mô phạm trong cách đào tạo và quản lý sinh viên. Áp lực học tập là có thật. Nếu sinh viên không đủ bản lĩnh, họ rất dễ gặp các rủi ro khiến cho quá trình tiếp thu kiến thức, bố trí sắp xếp thời gian học, sinh hoạt giáo dục của trường, khoa… không được thuận lợi.

Sinh viên Sư phạm cần có lượng kiến thức khá nhiều để có thể ra đời làm thầy. Có một câu nói lưu truyền trong ngành nghề là "Biết 10, dạy 1". Tuy nhiên, với các sinh viên có điểm đầu vào thấp, đôi khi điều đó không đơn giản, đặc biệt khi sinh viên đó thiếu hụt lượng kiến thức phổ thông lớn. Vì lượng kiến thức cần bổ sung quá nhiều, bạn sinh viên đó sẽ khó có thể tiếp thu kịp thời những vấn đề ở đại học. Các giảng viên vì thế cũng gặp khó khăn khi bổ sung.

Tôi từng gặp những sinh viên Sư phạm không biết ký hiệu hóa học của các nguyên tố đơn giản như sắt (Fe), đồng (Cu), nói Nguyễn Huệ là vua cuối cùng của nhà Nguyễn hay đinh ninh vận tốc của ôtô là 5m/h… Những điều đó là thử thách cam go với giảng viên sư phạm chúng tôi vì thực sự không biết làm cách nào để trợ giúp sinh viên lấp đầy lỗ hổng kiến thức đó khi chúng quá lớn.

Qua tâm sự của các sinh viên sư phạm đã ra trường, tôi nhận thấy, những em có điểm đầu vào không cao thường gặp khó khăn nhiều hơn khi đi dạy. Các em bị lúng túng trước câu hỏi của học sinh như: tại sao biển có sóng, nước biển mặn? Đã có giáo viên giải thích cho học sinh sóng là do có hòn đảo nhấp nhô như nút chai ngoài biển, nước biển mặn vì có hòn đảo muối ở ngoài khơi xa... Tất cả giải thích dạng này thực sự có hại cho học sinh. Với những "nhà giáo tương lai" có lượng kiến thức phổ thông thiếu hụt trầm trọng như vậy, giảng viên chúng tôi dù có phép tiên cũng chẳng giúp nổi họ vững vàng đứng lớp.

Tuy vậy, điểm số đôi khi không phản ánh hết thực chất vấn đề. Nếu như thí sinh trúng tuyển đó đam mê nghề nghiệp, có sự kiên nhẫn và tấm lòng yêu trẻ, dù kiến thức ban đầu còn nhiều lỗ hổng, em đó cũng sẽ biết cách lấy lại cho mình những gì cần thiết. Điều đáng lo ngại hiện nay là suy nghĩ tự hài lòng bản thân của các bạn trẻ sẽ ngăn các em lấp đầy những lỗ hổng đó.

 

TS. Vũ Thu Hương  - Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội

 

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến