NÂNG CAO HIỆU QUẢ CHO TRẺ MẪU GIÁO 5-6 TUỔI LÀM QUEN CHỮ CÁI TẠI TRƯỜNG MẦM NON THĂNG LONG

1731382396 | 0 bình luận | 269 xem

Như chúng ta đã biết việc dạy trẻ mẫu giáo 5- 6 tuổi làm quen chữ cái có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc thực hiện chương trình nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ. Thông qua việc cho trẻ làm quen chữ cái, vốn từ của trẻ được nâng cao, trẻ được tập nghe để phân biệt và tập phát âm các âm của chữ cái trong Tiếng Việt, được làm quen với hình dáng cấu tạo từng chữ cái…Cho trẻ mẫu giáo 5-6 tuổi làm quen với chữ cái không chỉ giúp trẻ nhận biết được các mặt chữ cái, phát âm chính xác khi nói mà còn tạo cho trẻ hứng thú học tiếng mẹ đẻ, làm tiền đề cho trẻ thích ứng với việc đọc, viết ở lớp 1.

Để trẻ làm quen với chữ cái hiệu quả và đạt được mục tiêu giáo dục đề ra, tôi đã khảo sát và phân loại từng nhóm đối tượng để có biện pháp tổ chức hoạt động làm quen chữ cái như sau:

- Đối với những trẻ chưa hứng thú tham gia vào hoạt động làm quen chữ cái, tôi thường xuyên cho trẻ ngồi xen kẽ với những trẻ sôi nổi hứng thú, chú ý bao quát và khích lệ những trẻ chưa hứng thú, tạo ra tình huống…..để gây hứng thú cho trẻ tích cực tham gia hoạt động, trẻ thích thú khi được phát biểu.

- Đối với trẻ khả năng ghi nhớ còn hạn chế, chậm nhớ mau quên, học vẹt thì tôi luôn tạo cơ hội để trẻ làm quen với chữ cái mọi lúc, mọi nơi: Trong giờ đón trẻ tôi hướng trẻ vào trò chơi như (úm ba la) hoặc cho trẻ tìm chữ, sao chép chữ, ...Trong giờ học tôi thường gọi cá nhân trẻ đó phát âm và nhắc cấu tạo chữ,  so sánh nhóm chữ cái nhiều hơn bạn khác. Để trẻ hiểu và nhớ chữ cái lâu hơn,  tôi thường xuyên thay đổi hình thức tổ chức dưới dạng hội thi, trò chơi như “Rung chuông vàng, Ong tìm chữ, Vòng quay kỳ diệu, gạch chân chữ cái đã học hoặc khoanh tròn vào chữ cái vừa được học..”, sử dụng công nghệ thông tin (làm hiệu ứng nét chữ để thu hút trẻ nhớ chữ cái nhanh hơn) qua các trò chơi trên máy tính như sử dụng bấm chuột di chuột để chọn chữ cái đã học...hoặc vừa học vừa thực hành. Ví dụ như chữ “o” có hình dạng giống quả trứng gà (cô cho trẻ vẽ 1 vòng tròn trước mặt), chữ “v” giống hình 2 ngón tay khi con tạo dáng chụp hình (cho trẻ thực hiện tạo dáng tay)… để trẻ hứng thú làm quen với chữ cái và được khắc sâu hơn…

+ Hoạt động ngoài trời: Tôi cho trẻ quan sát  các loại cây trồng hay các hiện tượng tự nhiên  xung quanh trẻ  như gió “lung lay cành cây”, từ “lung lay”  có chứa chữ gì đầu tiên và phát âm chữ cái đó; Cho trẻ xếp các hột, hạt, sỏi, lá, cành cây thành các chữ đã học rồi cùng phát âm….

+ Trong giờ hoạt động góc: Tôi động viên khuyến khích trẻ chơi nặn chữ cái, tô màu chữ cái in rỗng ở góc “tạo hình”, ở góc học tập tôi cho trẻ chơi “Sắp xếp cho đúng với mẫu” (như sắp xếp những chữ cái  theo thứ tự giống với mẫu của cô VD:“hoa mai, lê…”, với các nhóm chữ khó như “p, q”, “b, d, đ”…tôi cho trẻ ghép các nét chữ rồi phát âm đúng những chữ cái đã học; Góc phân vai “Bán hàng” trẻ bán thẻ chữ cái, bán đồ dùng có ký hiệu chữ hiệu chữ cái như quần áo, dép, mũ…

- Đối với trẻ ngọng, phát âm chưa chuẩn: Bên cạnh những trẻ chưa hứng thú tham gia hoạt động, trẻ nhận thức chậm, thì trẻ nói ngọng và phát âm chưa chuẩn là một vấn đề rất khó khăn: Vì vậy ngay từ khi dạy trẻ học nhóm chữ đầu tiên dù khó hay dễ tôi vẫn luôn luôn nhắc trẻ chú ý tới khẩu hình khi cô phát âm, sau đó cho trẻ phát âm lại nhiều lần. Ví dụ: Chữ “a” khi phát âm thì há miệng, chữ “r” khi phát âm phải rung lưỡi, chữ “g” khi phát âm phải cứng cổ. Hay khi dạy trẻ chữ cái “n, l” (chữ n đầu lưỡi đặt ở chân răng cửa hàm trên, miệng hơi mở, khi phát âm bật nhẹ đầu lưỡi xuống; Chữ l khi phát âm uốn cong đầu lưỡi lên rồi bật mạnh).

Những trẻ ngọng, phát âm chưa chuẩn tôi luôn cho trẻ phát âm chữ cái đó theo cô nhiều lần vào mọi lúc, mọi nơi. Tôi sưu tầm các bài thơ, đồng dao và cho trẻ đọc chậm theo cô để luyện âm cho trẻ như các bài có chứa chữ “n”, “l”, “p”, “r”….; khi quan sát cây xanh cô đưa ra tình huống và hỏi trẻ: “lá cây”- từ “lá” được nói thế nào (cho trẻ nói)…

Khi trẻ hay được gọi trả lời bằng nhiều hình thức khác nhau trẻ không những hứng thú tham gia hoạt động mà còn phát âm chuẩn hơn.

Ngoài ra tôi đã tích cực tuyên truyền, phối hợp với cha mẹ trẻ trong việc cho trẻ làm quen với chữ cái: Để cha mẹ trẻ  hiểu được tầm quan trọng của việc cho trẻ làm quen với chữ cái, tôi đã tuyên truyền cha mẹ trẻ  bằng nhiều hình thức khác nhau như trao đổi trực tiếp với phụ huynh qua giờ đón trả trẻ, qua sổ liên lạc điện tử kids Online, qua Zalo, qua bảng tuyên truyền của lớp, qua các cuộc họp phụ huynh, …giúp cha mẹ trẻ hiểu việc cho trẻ làm quen chữ cái không chỉ là biết đọc, biết viết mà còn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trí tuệ…phát triển toàn diện nhân cách của trẻ, tạo tiền đề cho trẻ vào lớp 1.

Bên cạnh đó tôi vận động phụ huynh ủng hộ những nguyên vật liệu sẵn có như “các loại vỏ hộp, bìa cát tông,…” để làm thêm đồ dùng đồ chơi phục vụ hoạt động làm quen chữ cái.

Từ việc áp dụng các biện pháp trên trẻ hứng thú tham gia vào hoạt động làm quen chữ cái. Về phía phụ huynh đã dành thời gian quan tâm đến trẻ nhiều hơn trong việc cho trẻ ôn luyện chữ cái tại nhà và nhiệt tình ủng hộ nguyên vật liệu để làm đồ dùng đồ chơi phục vụ chủ đề.

Dưới đây là một số hình ảnh học sinh hoạt động tại lớp:

 

Phạm Thị Thanh Cúc

Giáo viên mầm non

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến