Sống chủ động!

1496799643 | 0 bình luận | 8422 xem

Chẳng phải ngẫu nhiên mà tục ngữ có câu “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Câu tục ngữ này dù trong hoàn cảnh nào với người thành công hay chưa thành công cũng luôn chính xác. Tôi là một trong những người may mắn được đọc cuốn “Bảy thói quen thành đạt” của Stephen R Covey,  một lần nữa khẳng định vai trò chủ động trong công việc. Chủ động là một thói quen tốt và sẽ giúp chúng ta thành công hơn trong công việc của mình.

Tôi là một giáo viên Mầm non đang làm việc tại trường Mầm non Thăng Long thuộc Hệ thống Giáo dục Bill Gates. Phải nói rằng đây là một ngôi trường có môi trường làm việc tốt. Tất cả mọi người đến đây dù xuất thân ở những nơi khác nhau, dù ở lĩnh vực chuyên môn nào cũng đều tạo cho mình một phong cách làm việc mang đậm thương hiệu Bill Gates. Tôi đang và sẽ hoàn thiện, chuyên nghiệp hơn trong công việc của mình. Tôi đánh giá cao vai trò chủ động trong công việc. Khi làm việc chủ động, bạn sẽ luôn hoàn thành mà không phải lo đến thời gian. Một trong những kinh nghiệm đơn giản đó là phân chia công việc theo hai loại: Việc quan trọng và việc không quan trọng để ưu tiên việc gì làm trước, việc gì làm sau.

Là một giáo viên Mầm non, tính chủ động lại càng cần thiết. Chủ động trong công việc hàng ngày, đặc biệt với những sự kiện của trẻ. Ai cũng biết trẻ em lứa tuổi mầm non nhanh nhớ chóng quên. Với các con phải được thường xuyên luyện tập và thực hành. Giáo viên phải luôn chủ động trong việc sắp xếp lịch rèn luyện của trẻ. Bởi chỉ cần bạn sao nhãng thôi trẻ có thể sẽ mất đi cơ hội được rèn luyện, được phát triển bản thân. Để mỗi một ngày hội lễ thực sự có ý nghĩa, và đi vào trái tim của trẻ thì giáo viên không chỉ chủ động trong việc luyện tập mà còn phải chủ động trong việc tạo môi trường cho trẻ hoạt động. Giáo viên phải chuẩn bị từ rất sớm không khí của sự kiện, chia sẻ với phụ huynh những điều cần thiết về sự kiện, cùng với trẻ chuẩn bị cho sự kiện. Và trong năm học qua, với sự chủ động của giáo viên chúng tôi đã tạo ra những buổi trải nghiệm thành công và có ý nghĩa với trẻ như: Sự kiện chào mừng Ngày giải phóng Thủ đô 10/10; Sự kiện chào mừng Ngày phụ nữ Việt Nam; Chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam; … Đặc biệt với sự nỗ lực của các con trong cuộc thi “Tài năng nhí” lớp chúng tôi đã giành 3 giải nhất, 1 giải nhì gây ấn tượng sâu đậm trong Ban giám khảo, phụ huynh và toàn thể các thầy cô, các bạn trong toàn trường. Thành tích đó càng khẳng định vai trò của giáo viên trong việc chủ động lên kế hoạch và thực hiện kế hoạch một cách nghiêm túc.

Đặc thù công việc của chúng tôi là chăm sóc và dạy dỗ trẻ. Với công việc này, chúng tôi không chỉ “chăm sóc” mà còn phải “dạy” lại cả “dỗ” trẻ nữa. Nếu không chủ động, chúng tôi khó mà hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, việc làm cho trẻ quen và yêu cô, yêu trường lớp lại là cả một vấn đề to lớn. Chúng tôi ngoài việc hiểu tâm sinh lý của trẻ còn phải hiểu gia đình trẻ, hiểu trẻ được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh như thế nào? Vì mọi trẻ khi đến với cô chúng thường mang “đặc trưng” của gia đình. Vì vậy, giáo viên phải chủ động  trong việc chia sẻ và lấy được cảm tình từ trẻ. Đây  là một trong những việc khó làm mang tính nghệ thuật và cần thực sự tấm lòng yêu trẻ mới làm được. Chủ động trong việc tham gia vào các “vấn đề” của trẻ. Trẻ mẫu giáo đặc biệt là trẻ mẫu giáo lớn có nhiều kiến thức và kỹ năng hơn hẳn. Các con biết “lý sự” và “bảo vệ” ý kiến riêng của mình. Trong mỗi lần tranh luận với trẻ, tôi nhận thấy các con đều có “cách” lập luận. Với người lớn nếu không chủ động tìm hiểu kỹ về tâm sinh lý trẻ, hiểu trẻ và hiểu những suy nghĩ của trẻ thì dễ bị “bắt nạt”! Bên cạnh đó, giáo viên hay gia đình còn phải chủ động trong những chia sẻ mang tính nhạy cảm với trẻ! Những vấn đề mà hiện nay đang là sự nhức nhối trong xã hội tưởng như chỉ những trẻ lớn học cấp I mới có thể hiểu vậy mà các con lứa tuổi này đều cảm nhận được hết. Trong những lần tôi nói chuyện với trẻ về xâm hại tình dục trẻ em. Có bạn lớp tôi đã nói là “gần nhà con có bạn bằng tuổi con bị xâm hại đấy cô ạ!” Các con cũng nói về việc bố mẹ dạy các con về các vùng nhạy cảm trên cơ thể, nguyên tắc bàn tay….trong các mối quan hệ với mọi người. Các con – dù ít hay nhiều đã có những hiểu biết để tự bảo vệ bản thân. Điều đó có được là do người lớn chúng ta đã chủ động trong việc chia sẻ và không ngại nói những vấn đề tế nhị với trẻ.   

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về cuộc sống ngày càng cao điều đó dẫn tới những gánh nặng về kinh tế trong mỗi gia đình. Người lớn cũng không còn nhiều thời gian để chơi với trẻ, lắng nghe trẻ nói và chia sẻ với trẻ. Vì vậy, trẻ đến trường chúng muốn “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”! Những người giáo viên như chúng tôi với tình yêu và cái tâm với nghề luôn luôn chủ động trong việc tạo ra cho trẻ những niềm vui, tình yêu thương và sự an toàn. Để biến mong muốn của trẻ thành sự thật. Tôi mong rằng thói quen chủ động sẽ luôn được duy trì và sẽ lan tỏa đến trẻ  để sau này trẻ sẽ chủ động trong mọi vấn để của mình, giúp trẻ có được thành công trong việc học tập và trong các mối quan hệ.

Cô giáo Lê Thị Thu Trang

Giáo viên lớp Simba 2

 

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến