Giáo dục bảo vệ môi trường trong dạy học
Ô nhiễm môi trường đang là vấn đề nóng hổi trên toàn cầu. Chưa bao giờ môi trường bị ô nhiễm nặng như bây giờ. Chính vì vậy, việc giáo dục bảo vệ môi trường nói chung, bảo vệ thiên nhiên, tài nguyên đa dạng sinh học nói riêng, là vấn đề cần thiết, cấp bách và bắt buộc khi giảng dạy trong nhà trường.
Với bộ môn Hóa học, đây là vấn đề hết sức cần thiết, vì nó cung cấp cho học sinh những kiến thức cơ bản về môi trường, sự ô nhiễm môi trường, tăng cường sự hiểu biết về tác động qua lại giữa con người với tự nhiên trong sinh hoạt và lao động sản xuất, góp phần hình thành ở học sinh ý thức và thái độ đúng đắn để bảo vệ môi trường. Bởi vậy, tôi luôn cố gắng lồng ghép các yếu tố môi trường vào trong các tiết dạy. Học sinh sẽ biết được bản chất hóa học của hiệu ứng nhà kính, lỗ thủng tầng ozon, khói mù quang học, mưa axit, hiệu ứng hóa sinh của NOx, H2S, SOx,…, và tác động của chúng tới môi trường.
Ví dụ, khi dạy bài “Phân bón hóa học” (Hóa 11), tôi phân tích cho các con thấy hậu quả của việc sử dụng không hợp lí phân bón, quá liều lượng (gây ô nhiễm đất, nguồn nước, gây nhiễm độc cho nông sản, thực phẩm, người và gia súc,…).
Trong quá trình giảng dạy bài “Một số oxit quan trọng” (Hóa 9), tôi nhấn mạnh cho các con về tác hại của mưa axit (gây nên các bệnh về đường hô hấp cho con người, phá hủy các công trình kiến trúc, tạo nên sự xói mòn núi đá vôi, làm chua đất, thay đổi kiến tạo trên bề mặt trái đất,…) và yêu cầu các con đóng vai trò nhà bảo vệ môi trường thiết kế poster để tuyên truyền về tác hại của nó. Hay khi dạy bài “Một số oxit của cacbon”, tôi nói với các con về hiện tượng Hiệu ứng nhà kính (hiện tượng Trái đất bị nóng dần lên do khí CO2 trong khí quyển),…
Khi dạy bài “Oxi – Ozon” (Hóa 10), tôi cho các con xem các đoạn clip về vai trò của tầng ozon (ngăn cản các tia cực tím nguy hiểm từ mặt trời chiếu xuống trái đất) và tình trạng báo động về sự suy giảm tầng ozon hiện nay (với khí hậu: giảm thời gian có nắng, đất đai không có vôi, tăng nồng độ axit dẫn đến cằn cỗi; với con người: tăng rối loạn tim mạch, hô hấp, các bệnh phổi, hen, ung thư phổi, các bệnh ung thư da và các bệnh da liễu,…; với các công trình nghệ thuật lịch sử: đá bị ăn mòn, mặt ngoài công trình bị cáu bẩn, các bộ phận kim loại gỉ sét nhanh chóng,…)
Với bài “Nước” (Hóa 8), học sinh tìm hiểu về vai trò của nước trong đời sống và sinh hoạt, cũng như tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm nguồn nước xung quanh khu vực sinh sống và tiến hành thuyết trình trước lớp,…
Môi trường của chúng ta đang bị ô nhiễm từng ngày, từng giờ do các hoạt động vô ý hay cố ý của con người. Đã đến lúc mỗi người trong chúng ta cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Đó không chỉ là ý thức, mà còn là trách nhiệm của chúng ta với thế giới hôm nay và ngày mai.
Đặng Thị Chi
Giáo viên Trung học