Những điểm thay đổi cần lưu ý trong Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025
Những điểm thay đổi cần lưu ý trong Phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2025
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều thay đổi cả về sách giáo khoa, nội dung chương trình và phương án thi tốt nghiệp khiến các bậc cha mẹ và các em học sinh không khỏi lo lắng. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi sẽ điểm qua một thay đổi cần lưu tâm trong Phương Án tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 so với năm 2024 để quý cha mẹ học sinh và các em hiểu rõ hơn.
Thứ nhất, số môn thi giảm hai môn: Thay vì thi sáu môn thi năm 2024, học sinh sẽ dự thi hai môn bắt buộc là Ngữ văn và Toán, cộng thêm hai môn trong số các môn học mà các em đã học trong chương trình THPT.
Thứ hai, về bài thi, môn Ngữ văn vẫn sẽ giữ hình thức thi tự luận trên giấy, còn các môn học khác thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan trên giấy.
Môn Ngữ văn gồm hai phần Đọc hiểu (4 điểm) và Câu hỏi nghị luận (nghị luận xã hội 4 điểm, nghị luận văn học 2 điểm)
Việc chia lại biểu điểm cho phần Nghị luận của môn Ngữ văn được nhiều thầy cô đồng tình vì trong đề bài, với một văn bản văn học mới tinh mà các con phải xây dựng một bài nghị luận văn học chiếm 4 điểm như trước sẽ khá khó khăn. Cách ra đề này cũng chấm dứt việc học tủ đoán đề, tập trung phát triển thực sự các kỹ năng cảm thụ đọc hiểu và viết bài của các con.
Với các môn thi trắc nghiệm, có tối đa 3 dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm được sử dụng đề thi:
Dạng câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn: Dạng thức này đã được áp dụng trong nhiều năm tại Việt Nam. Theo định dạng đề thi từ năm 2025, các môn Ngoại ngữ chỉ dùng một loại dạng thức này. Các môn trắc nghiệm còn lại có một phần dùng dạng thức này.
Dạng câu hỏi trắc nghiệm dạng Đúng/Sai: Mỗi câu hỏi có 4 ý, thí sinh phải trả lời Đúng/Sai đối với từng ý của câu hỏi. Xác suất đánh ngẫu nhiên đạt điểm tối đa là 1/16, nhỏ hơn 4 lần so với dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn hiện nay.
Dạng câu hỏi trắc nghiệm dạng trả lời ngắn: Dạng thức này gần với dạng câu hỏi tự luận, được đánh giá thông qua kết quả cuối cùng mà thí sinh phải tự điền vào phiếu trả lời.
Sự thay đổi dạng thức trắc nghiệm từ chọn A, B, C, hoặc D sang dạng Đúng/Sai và Trả lời ngắn (Điền đáp án) đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kỹ năng toàn diện mới đạt được điểm tối đa, hạn chế được việc dùng “mẹo” chọn đáp án từ các phương án nhiễu như của dạng trắc nghiệm nhiều lựa chọn. Do vậy, các em học sinh cần nghiêm túc xác định mục tiêu học tập của mình ngay từ khi bước vào lớp 10 và có phương pháp học tập đúng đắn nếu muốn đạt được kết quả cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT theo phương án mới từ năm 2025.
Cô giáo Nguyễn Kiều Lương - Giáo viên Tiếng Anh