Vịt “Béo” à, mẹ luôn yêu con!
Chương Một: Tìm trường
Vậy là Quý Nam, Vịt “Béo” của mẹ, đã trở thành học sinh của trường Bill Gates được 3 tháng rồi.
Mẹ vẫn nhớ mãi những ngày cuối năm ngoái, Tết đã cận kề, nhà mới đã hoàn thiện xong, đồ đạc đã sẵn sàng. Nhưng ai hỏi mẹ bao giờ chuyển nhà, mẹ đều trả lời là chưa biết.
Mẹ chần chừ
Mẹ lo lắng.
Chỉ vì Vịt “Béo” của mẹ.
Vịt đi học từ hồi hơn 2 tuổi, ở một trường tư thục gần nhà, mọi chuyện đều rất ổn. Con quen cô, quen bạn, ngoan ngoãn, đến mức cô Hiệu trưởng phải khen là ít có bạn nào được như bạn này, vì đi học cả thứ Bảy, và hầu như không nghỉ buổi nào.
Chuyển nhà, đồng nghĩa với việc con sẽ phải chuyển trường, mà không chỉ thế, chỉ vài tháng nữa là con sẽ vào lớp Một. Sự thay đổi là không tránh khỏi, nhưng thay đổi thế nào đây.
Rồi tin tức về hàng loạt những vụ tai nạn, những vụ bạo hành xảy ra trong trường, khiến mẹ càng thêm lo lắng.
Cả mẹ và ba đều bận, nên dù rất muốn, ba mẹ không thể dành thời gian đi tìm hiểu từng trường cho con.
Mẹ đành cầu cứu bà ngoại, một nhà giáo đã về hưu, với hơn 30 năm kinh nghiệm và gần 20 năm công tác tại một ngôi trường có tiếng tại Hà Nôi.
Bài toán mẹ đặt ra cho bà là:
+ Một trường liên cấp (để Vịt không phải chuyển trường khi lên lớp Một);
+ Có cơ sở vật chất khang trang (trong đó một tiêu chí rất “cụ thể” là toilet sạch sẽ để con không phải nhịn “tè” ở trường);
+ Chú trọng giáo dục toàn diện (vì Vịt của mẹ thừa cả chiều cao và cân nặng, mẹ không muốn con suốt ngày chỉ ngồi một chỗ để học);
+ Không quá xa nhà, ăn sáng ở trường, có xe đưa đón, và chi phí không quá lớn.
Bà bắt đầu công cuộc tìm kiếm, đầu tiên là trên mạng, khi chọn được trường nào, bà lại đến tận nơi, hỏi han, chụp ảnh và “report” J.
Cứ thế, hai tuần trôi qua, lễ nhập trạch đã xong, ngày chuyển nhà cận kề, mà mẹ vẫn chưa biết nên cho Vịt của mẹ học trường nào?
Thế rồi một buổi sáng, bà gọi điện cho mẹ “Alo, bà đã tìm được trường cho Vịt rồi nhé. Mẹ mày lên mạng xem Trường mầm non Thăng Long, trước đây gọi là trường Bill Gates ấy”.
Mẹ lên mạng xem thông tin về trường, mẹ vào diễn đàn các bố các mẹ để hỏi han, mẹ xem những phản hồi về trường.
Tất cả đều tích cực.
Tất cả đều tốt.
Nhưng mẹ vẫn chưa hết lo.
Trường tốt, nhưng liệu con có hòa nhập được không, các thầy cô giáo, các cô các bác ở đó thế nào? Chẳng phải con người mới là yếu tố quyết định của mọi việc hay sao.
Rồi hôm sau, bà lại gọi về “Alo, bà đã đăng ký cho Quý Nam học ở đây rồi nhé. Bà nộp học phí rồi, nhận đồng phục cho Quý Nam rồi, sang tuần “Béo” đi học luôn”.
Dù còn chút lo lắng, nhưng mẹ đã yên tâm hơn. Bà ngoại có kinh nghiệm, lại rất cẩn thận trong chuyện trường lớp, học hành của các cháu. Bà đã chọn và đã tin tưởng, ắt hẳn là có lý do.
Chương Hai: Đi học
Ngày thứ Hai đầu tuần đã đến, ngày đầu tiên Quý Nam đi học ở trường mới.
6h20 phút, hai mẹ con còn đang say giấc nồng thì chuông điện thoại reo, đầu kia là bác lái xe “Alo, xe đến đón cháu đi học, chị cho cháu xuống nhé”.
Mẹ giật mình, tỉnh cả ngủ, ôi sớm vậy sao, ở trường cũ con 8h mới ăn sáng, thường là 7h30 con mới dậy và được chị giúp việc đưa đi học.
Mẹ vội vàng chạy xuống dưới nhà, xin lỗi bác lái xe vì không nắm được giờ, và bảo bác hôm nay mẹ sẽ tự đưa con đến lớp.
Mẹ gọi điện đến cơ quan xin nghỉ buổi sáng. Cũng may là hôm ấy chị Nhím được nghỉ, mẹ không phải đưa chị đến trường.
Mẹ gọi Vịt dậy, đánh răng, rửa mặt, thay quần áo.
Rắc rối bắt đầu xảy ra. Từ trước giờ con đã quen là nếu thức dậy còn thấy mẹ ở nhà thì hôm đó là ngày nghỉ, và con mặc cả “con không đi học đâu”.
Phải mất một lúc dỗ dành, mẹ mới đưa được con ra xe, hai mẹ con lên đường.
Vừa đến trường, con bắt đầu khóc và nhất định không chịu xuống xe, với điệp khúc “con không đi học đâu, mai đi học, con đi về cơ”.
Vừa dỗ, vừa quát, vừa lôi, vừa kéo (vì Vịt lớn quá rồi mẹ không bế nổi nữa), hai mẹ con đánh vật với nhau ở cổng trường. Có lúc mẹ đã nản lòng và nghĩ, hay là cho con về, nghỉ một hôm.
Nhưng rồi, vì Vịt cũng đã lớn, lại biết nghe lời, nên sau một hồi dỗ dành, con cũng chịu cùng mẹ vào trường và lên lớp, mặc dù vẫn khóc lóc trên suốt đường đi.
Mẹ dẫn con vào lớp, trao con cùng balo quần áo cho cô, rồi vội vàng quay đi, vẫn nghe sau lưng tiếng con gào khóc “Mẹ ơi! mẹ ơiiiiiiiiiii!”
Mẹ xuống văn phòng, hỏi xem có được xem camera không, nhưng các cô bảo quy định của nhà trường không public camera cho phụ huynh, nếu cần thì phụ huynh có thể đề nghị trích xuất. Điều này hơi khác với trường cũ của con.
Mẹ đến cơ quan làm việc, nhưng không tập trung được gì hết.
Ba gọi điện hỏi.
Bà ngoại gọi điện hỏi.
Các dì gọi điện hỏi.
Cả chị Bim, đang cách nửa vòng trái đất, cũng nhắn tin về.
“Hôm nay Vịt đi học thế nào?”
“Hôm nay Vịt đi học khóc nhè, chưa biết ngày mai thế nào đây!?!”, mẹ trả lời mọi người, mà cũng là tự hỏi mình.
Nhỡ Vịt không thích trường mới.
Nhỡ Vịt không chịu đi học.
Nhỡ Vịt không chịu ăn.
Nhỡ…
Chiều hôm đó, mẹ xin về sớm, đợi Vịt trước cổng nhà, mẹ thấy Vịt bước xuống từ xe buýt của trường, chạy vào với mẹ, hớn hở và vui vẻ.
Mẹ thở phào. Thực sự đến lúc này mọi lo lắng đã hoàn toàn tan biến.
Sáng hôm sau, mẹ chỉ vừa mới gọi “Quý Nam ơi, dậy đi học”, con đã ngồi bật dậy, mắt vẫn nhắm tịt, nhưng miệng đã líu lo “Quý Nam đi học xe bus đây”.
Và bây giờ thì Vịt của mẹ đã quen thuộc với bác lái xe sáng nào cũng đến đón con, đã thân thiết với các bạn trong lớp SIMBA1, đã yêu quý cô Hạnh, cô Dung mà con kể là “có em bé trong bụng”, các cô ở văn phòng và cả các bác bảo vệ. Mẹ thật sự rất biết ơn bà ngoại đã tìm được cho con một ngôi trường tốt. Cảm ơn các cô giáo đã tạo niềm vui để con hào hứng đi học mỗi ngày. Cảm ơn cô Hạnh đã luôn trả lời mỗi khi mẹ hỏi về tình hình của con và giúp mẹ yên lòng. Cảm ơn nhà trường cùng toàn thể các thầy cô.
Bạn Quý Nam trong giờ học tạo hình
Bạn Quý Nam trong giờ học Tạo hình
Quý Nam đang học cùng các bạn lớp Simba 1 - một tập thể lớp rất ngoan, đoàn kết và học tốt.
Tuy rằng “sự nghiệp” học hành của Vịt “Béo” chắc còn lắm gian nan, (ví như kì thi lớp Một vào trường vừa qua Vịt “Béo” trượt vỏ chuối vì tội bất hợp tác, cô hỏi gì cũng không nói J, mà lý do đơn giản là vì con giận dỗi do hôm ấy thứ Bảy, ngày nghỉ mà mẹ bắt đến trường L). Nhưng mẹ tin rằng trường Bill Gates sẽ là luôn là kỷ niệm đẹp trong suốt quãng đời đi học của con, và của cả mẹ nữa.
Mẹ yêu con lắm, Vịt “Béo” của mẹ!
Hà Nội 14/4/2017
Mẹ học sinh Hoàng Quý Nam - lớp Simba 1