Mầm non và Tiểu học Quốc tế Thăng Long tham quan quy trình gói bánh Chưng

1359950138 | 0 bình luận | 1988 xem

     Bánh chưng - món bánh thể hiện lòng biết ơn của con cháu với cha ông và đất trời - lâu nay đã có vị trí thật đặc biệt trong tâm thức người Việt. Từ xưa tới giờ, chiếc bánh truyền thống ngày Tết này đã có biết bao thay đổi qua mỗi vùng miền từ hương vị tới hình dáng và công thức chế biến.

    Tết đến, mỗi gia đình người Việt Nam đều nô nức chuẩn bị mọi thứ từ ”Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” đến “ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”, với mong muốn đón một năm mới thật sung túc, an lành, hạnh phúc. Trong mâm cỗ đón xuân của người Việt Nam, bánh chưng là một món ăn truyền thống không thể thiếu. Những chiếc bánh chưng xanh vuông vắn tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ xưa đã đồng hành cùng lịch sử dân tộc và trở thành linh hồn của ngày Tết ở niềm Bắc nói riêng và cả nước nói chung.

     Với mong muốn giúp cho học sinh hiểu biết thêm về ngày tết cổ truyền của dân tộc cùng những nét đẹp  văn hóa truyền thống từ ngàn xưa cha ông ta đã để lại, từ đó bồi đắp nuôi dưỡng cho các em học sinh thái độ yêu quý, gìn giữ và trân trọng những giá trị truyền thông đó; sáng ngày 01/02/2013 tại sân trung tâm của Hệ thống Giáo dục Bill Gates đã tổ chức cho các em học sinh Mầm non và  Tiểu học Quốc tế Thăng Long tham quan quy trình gói bánh chưng.

          

          Khi được nhìn tận mắt, các bạn học sinh còn đặt ra các câu hỏi thú vị về việc gói bánh Chưng

       

      Các em đã được tận mắt nhìn thấy những nguyên liệu để làm nên một cái bánh chưng  đầy đủ những đặc trưng của hương vị ngày tết, còn được bác đầu bếp giải thích quy trình của việc gói bánh bao gồm từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, gói bánh, luộc bánh như thế nào cho ngon, cho thật đẹp. Gói bánh chưng chính là “Gói ghém” cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, với gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn trong chiếc bánh vuông vắn, xanh mướt là hình ảnh của chiếc bánh chưng đất Bắc. Ngày nay, những nguyên liệu làm bánh chưng không thay đổi gồm: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn và lá dong. Bánh muốn ngon thì phải chuẩn bị nguyên liệu thật chu đáo: gạo ngâm đãi thật kỹ; đậu xanh đồ vừa chín tới; thịt có cả nạc, bì, mỡ, ướp đủ gia vị; gói xong phải luộc ngay bánh mới xanh. Để chiếc bánh vuông đẹp, chín rền thì lúc gói phải “đỗ trong gạo, gạo trong lá”, gói chặt tay, không cần ép mà bánh vẫn để được lâu. Miếng bánh sau khi cắt, nhân đỗ và thịt nạc phải luôn cân đối ở tất cả các phần. Bạn học sinh nào cũng chăm chú lắng nghe và tập trung nhìn ngắm không bỏ sót một giai đoạn nào của việc gói bánh. Gói bánh chưng chính là điều thú vị mà các em được biết khi dịp tết đến xuân về, không ít bạn đặt ra những câu hỏi liên quan đến chiếc bánh chưng, như: Vì sao bánh chưng lại là loại bánh đặc trưng cho ngày tết? Ai đã sáng tạo nên bánh chưng? Tại sao lại phải luộc bánh lâu như vậy?...

          

          Thầy Huy - Tổng phục trách Đội đã giải thích những thắc mắc của các bạn học sinh 

          về truyền thống gói bánh Chưng

          

          Các bạn ấy còn thảo luận với nhau rất sôi nổi

         

         Với nhiều bạn, đây là lần đầu tiên được tận mắt thấy gói bánh Chưng

         

          Với các bạn Mầm non thì đây là một hoạt động rất thú vị

        

        Chăm chú chiêm ngưỡng từng chiếc bánh được hoàn thiện dần

        

        Có bạn còn bình phẩm chiếc bánh nào đẹp, chiếc bánh nào vuông nhất đấy

        

        Vui sướng khi được cầm trên tay những chiếc bánh Chưng vuông vức

        

        Các bạn học sinh còn được quan sát bác bảo vệ đang tưới và trang trí cho cây quất

        không khí của ngày Tết Âm lịch đang đến thật gần rồi.

     

     Sau khi hoàn thành xong chiếc bánh chưng, các bạn còn được cầm chiếc bánh để ngắm nghía và thử cảm giác khi được cầm trên tay một chiếc bánh sau khi được tận mắt chứng kiến các quy trình gói bánh, bạn nào cũng vui và háo hức chuyền tay nhau xem. Sau khi hoàn thành, những chiếc bánh chưng này sẽ được mang đi luộc và sẽ được dành cho các em học sinh ăn thử sau khi luộc chín.

     Ngày nay, do cuộc sống bận rộn, nhiều gia đình đã không còn giữ thói quen gói bánh chưng ngày Tết. Thế nên đây cũng là cơ hội để các em được nhìn lại những nét đẹp truyền thống từ nghìn đời nay của cha ông ta, để thêm yêu những nét đẹp văn hóa đang cần phát huy và gìn giữ.

 

Hoàng Trang - BBT

Xem thêm
Chat với chúng tôi
Đăng ký trực tuyến